Ngành gỗ khu vực ASEAN muốn liên kết từ thương chiến Mỹ - Trung
Khẳng định có nhiều lợi thế để phát triển, giới phân tích và đại diện doanh nghiệp ngành sản xuất đồ gỗ các nước trong khu vực ASEAN mong muốn cùng liên kết, hợp tác để phát triển, trong đó đáng chú ý là việc tạo chuỗi cung ứng lấp đầy khoảng trống nguồn cung thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc do tác động của thương chiến Mỹ - Trung.
Thông tin này được ghi nhận tại Diễn đàn nội thất Đông Nam Á diễn ra tại TPHCM vào ngày 27-11 với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam, và hơn 40 doanh nghiệp đến từ 7 Hiệp hội thành viên của Hội đồng công nghiệp nội thất Đông Nam Á - AFIC (gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippine, Myanmar, Lào).
Với chủ đề “Sức hút thị trường ASEAN”, diễn đàn do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) và AFIC (ASEAN Furniture Industries Council) tổ chức.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, khẳng định ASEAN hoàn toàn có thể trở thành một nền kinh tế mạnh, trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới nhờ vào nhiều lợi thế về tự nhiên, con người.
Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines là những nhà cung cấp đồ nội thất Đông Nam Á đang phát triển nhanh với 2/3 năng lực sản xuất ưu tiên cho xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu/sản xuất cho khu vực này là khoảng 66%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của thế giới (khoảng 30%). Ước lượng, năng lực sản xuất gỗ, nội thất của Đông Nam Á đáp ứng được 5% tổng lượng tiêu thụ đồ nội thất ở Mỹ và 2% với Tây Âu.
Trong đó, Việt Nam với tiềm lực sản xuất và truyền thống hiện dẫn đầu Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, thứ 2 châu Á và thứ 5 toàn cầu. Việt Nam tạo ra cảm hứng mang tính dẫn dắt sự phát triển của ngành tại Đông Nam Á trở thành đối trọng với sức cạnh tranh cao với nhiều khu vực khác.
Thị trường ASEAN rất lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trong khối cùng khai thác tiềm năng đó? Câu trả lời được ông Khanh cho là cần kiến tạo mô hình "Hợp tác – Liên kết - Liên minh” giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau, giữa doanh nghiệp và Hiệp hội trong khối, tiến tới xây dựng tầm nhìn mới cho AFIC là “hợp tác vì sự thịnh vượng chung của ngành gỗ Đông Nam Á”.
Ở tầm gần và ngắn hạn, khai thác chính thị trường chung ASEAN là ưu tiên cấp thiết của doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ngay. Bởi lẽ ASEAN nhập khẩu nội thất từ khắp thế giới khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ/ năm nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất vào thị trường này gần 70 triệu đô la/năm, tương ứng 5%. Trong khi đó, xuất khẩu nội khối chỉ 730 triệu đô la, và nhập khẩu lẫn nhau trị giá chỉ 760 triệu đô la, so với nhu cầu đến 3,3 tỉ đô la/năm cho thấy khoảng trống thị trường này rất lớn và nhu cầu gia tăng thương mại, thay thế nhập khẩu là rất lớn.
Ngoài quy mô dân số lớn với hơn 600 triệu dân, trong giai đoạn 2017-2030, dự đoán sự gia tăng tầng lớp trung lưu ngày càng rõ rệt tại Việt Nam (5,5%), Philippines (5,5%), Indonesia (5,2%), Thái Lan (2,2%), Malaysia (2,9%) sẽ là đối tượng chính của ngành gỗ, nội thất, lãnh đạo HAWA phân tích.
Theo các chuyên gia, ngành gỗ Việt Nam dẫn đầu khu vực về tiềm lực nhưng hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng, thương hiệu riêng, sản phẩm riêng mà chưa thấy rõ được lợi ích của việc xây dựng thương hiệu ngành.
Bản thân các nước trong khối ASEAN cũng cạnh tranh với nhau. Vì vậy, cần có mục tiêu chung lớn hơn để tạo sự gắn kết, đồng thuận – hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Nếu biết kết hợp các thế mạnh của nhau, liên minh với các đối tác khu vực, sẽ tạo nên chuỗi giá trị của ngành gỗ, tạo ra sản phẩm uy tín, chất lượng. Với sự liên kết đó, tương lai không xa, ngành gỗ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung sẽ phủ kín bản đồ thương hiệu thế giới, ông Khanh phân tích.
Nhìn xa hơn ra bên ngoài, tác động của thương chiến Mỹ - Trung đang tạo ra dòng dịch chuyển về cung – cầu đồ gỗ từ các khu vực khác tới Đông Nam Á. Trong 7 tháng đầu năm 2019, đồ gỗ và nội thất Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ đạt 14,3 tỉ đô la, giảm 18,3%, chỉ còn chiếm 50% thị phần Hoa Kỳ. Khoảng trống mà Trung Quốc để lại trị giá hơn 20 tỉ đô la, theo ông Khanh, xét toàn diện về thực lực, doanh nghiệp ngành gỗ ASEAN hoàn toàn có thể lấp đầy.
Hầu hết các khách hàng Mỹ, châu Âu đều muốn tìm nguồn hàng ngoài Trung Quốc, đây là thời cơ rất lớn để AFIC có tầm nhìn chung, có nhiều hoạt động đón lấy cơ hội quý giá, nâng vị thế của khối để cùng hưởng lợi. Liên kết để bổ sung và tiếp ứng sức mạnh tạo thành đối trọng cạnh tranh các thị trường sản xuất khác: Trung Quốc, châu Âu (Đức, Ý, Ba Lan,...).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận