Ngành gỗ đề xuất được mua vaccine phòng dịch COVID-19 từ kinh phí doanh nghiệp
VIFOREST đề nghị cho doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua 1 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp.
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và với quyết tâm chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị cho doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay, ngành gỗ, hiện có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700.000 lao động cùng với hàng vạn lao động ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất để cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ USD năm 2021 và 20 tỷ USD vào năm 2025.
Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường ở cả trong nước và nước ngoài. Qua tham khảo một số thông tin sơ bộ, nếu một doanh nghiệp có 1.000 lao động, khi có 1 người nhiễm COVID-19 thì toàn bộ doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất ít nhất là 21 ngày sẽ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ở góc độ toàn ngành, nếu dịch COVID-19 lây nhiễm lan rộng, cộng đồng doanh nghiệp gỗ sẽ đối mặt nguy cơ ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng giao hàng, có doanh nghiệp có thể bị phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng và như vậy sẽ tác động tiêu cực cho cả nền kinh tế đất nước.
Để giữ an toàn sức khỏe cho người lao động của các doanh nghiệp, làng nghề trước đại dịch, đảm bảo đủ nguồn lực sản xuất nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2021 và những năm tiếp theo, thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, VIFOREST đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông người lao động, đặc biệt là tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Định và Hà Nội là những địa phương có nhiều doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1.000 người.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nếu mỗi doanh nghiệp tự bỏ kinh phí ra mua vaccine tiêm phòng cho người lao động thì chi phí này tính ra rẻ hơn rất nhiều lần so với thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ.
Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long cũng cho rằng: “Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hành động nhanh hơn để có vaccine cho toàn dân và có giải pháp trong việc phân phối nhanh nhất đến với người dân. Trong thâm tâm của mỗi chúng ta, của mỗi người dân, là sẵn sàng chia sẻ chi phí về vaccine với Chính phủ. Đối với từng người dân, giá trị một liều vaccine không lớn, nhưng cả một nền kinh tế được mở cửa, thì đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp và cho toàn xã hội”.
Việc quản lý, sử dụng và tiêm phòng vaccine cho người lao động, VIFOREST và các hiệp hội gỗ địa phương cam kết sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của các cơ quan chuyên môn và đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 5,33 tỷ USD, tăng 50,9%. Trong số đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 4,99 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi sức mua của toàn cầu cũng như hoạt động sản xuất trong nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đang tăng trưởng rất ấn tượng. Hiện Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam./.
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận