Ngành Fintech Việt Nam và cơ hội trở thành "người dẫn dắt cuộc chơi" tại Đông Nam Á
Trang Asean Today cho rằng, ngành công nghiệp fintech Việt Nam có thể trở thành một mô hình cho khu vực Đông Nam Á.
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), số người dùng Internet trên khắp Đông Nam Á bùng nổ kể từ năm 2011. Tuy nhiên, 90% những người dùng Internet này đến từ 5 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Xét về số lượng “vườn ươm” fintech, Singapore và Việt Nam là 2 quốc gia nổi bật. Singapore dẫn đầu cuộc đua với 52 cơ sở “ươm tạo”, tiếp theo là Việt Nam với 24 cơ sở.
TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang nổi lên như là nơi "sinh sôi" của fintech và công nghệ. Năm 2019, đầu tư ào ạt đổ vào khu vực fintech của Việt Nam. Nếu như năm 2018, Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng đầu tư fintech của ASEAN, thì năm 2019, tỉ lệ tăng lên 36%, do các nhà đầu tư không ngần ngại đổ xô vào lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P), chấm điểm tín dụng và thanh toán di động của Việt Nam.
Chính phủ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp
Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy đất nước hướng tới một xã hội không tiền mặt và mang dịch vụ ngân hàng đến cho các cá nhân và doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ triển khai áp dụng các chính sách tiên tiến để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực fintech.
Luật Chuyển giao công nghệ ra đời năm 2016 đã tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ. NATEC - Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ - được thành lập vào năm 2016 với chức năng đào tạo và cố vấn cho các công ty khởi nghiệp non trẻ.
Việc giảm thuế cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và trong các khu công nghệ đặc biệt cũng đảm bảo luân chuyển nguồn vốn dồi dào hơn.
Số lượng công ty khởi nghiệp Fintech tăng
Số lượng các công ty fintech tại Việt Nam đã tăng từ khoảng 40 (năm 2016) lên 154 đơn vị (năm 2019).
Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (BTI) tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, hiện có 37 công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán số, 25 trong lĩnh vực cho vay P2P và 22 trong lĩnh vực blockchain và tiền điện tử.
Trước sự lớn mạnh của fintech Việt Nam, các tổ chức quốc tế đang xem xét lại dự báo thị trường. Ban đầu, thị trường này được dự báo có giá trị 7-8 tỷ USD vào năm 2020, nhưng hiện tại các chuyên gia dự đoán thị trường sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD.
Ngân hàng và công ty khởi nghiệp “bắt tay”
Thành công trên tại Việt Nam được xác định bằng việc thiết lập mối quan hệ cộng sinh giữa các ngân hàng và các công ty khởi nghiệp fintech. Thống kê cho thấy hiện có khoảng 72% các công ty khởi nghiệp fintech đang hợp tác với các ngân hàng.
Khi làm việc với công ty fintech, ngân hàng có thể cải thiện đáng kể sản phẩm và dịch vụ. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ước tính, thông qua quan hệ đối tác làm việc với các công ty fintech, các ngân hàng đã tăng 19,5% thanh toán qua Internet Banking trong năm 2018.
Xây dựng cảnh quan fintech cho tương lai
Các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng lâu dài trong lĩnh vực fintech Việt Nam dựa trên dự đoán tăng trưởng cao và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng.
Dân số Việt Nam dự kiến đạt 105 triệu người vào năm 2030, tăng 14% so với năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người tăng và sự gia tăng dân số tạo nên môi trường đầu tư hoàn hảo.
Chính phủ Việt Nam đã và đang đặt nền móng cho triển vọng phát triển fintech trong tương lai. Việt Nam đã đưa chương trình giáo dục STEM - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - vào chương trình giảng dạy. Học sinh lớp 2 đã được tham gia các tiết khoa học máy tính. Đến lớp 4, nhiều em sẽ được học kỹ năng lập trình và phát triển phần mềm cơ bản.
Ngoài việc “ươm mầm” tài năng ngay tại quê nhà, Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách hấp dẫn nhằm thu hút người Việt cư trú và làm việc ở nước ngoài trở về nước. Yêu cầu thị thực đối với “công dân kép” đã được nới lỏng và đã có những ưu đãi về thuế dành cho người trở về.
Có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy những nỗ lực của Chính phủ đang được đền đáp. Chỉ riêng năm 2015, khoảng 12.000 Việt kiều trở về Việt Nam. Nhiều người trong số này là các doanh nhân hoặc các chuyên gia có trình độ, đảm nhận các vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp hoặc tự thành lập công ty khi trở về.
Việt Nam đã cho các nhà đầu tư thấy cam kết ủng hộ đổi mới và quyết tâm xây dựng một ngành công nghiệp fintech thịnh vượng bằng cách đầu tư vào “ngày mai” với việc đào tạo lực lượng trẻ, có kỹ thuật và năng lực. Không có lý do gì Việt Nam không tiếp tục khẳng định dấu ấn của mình trên bản đồ fintech khu vực và nổi lên như một “người chơi” chính, trở thành mô hình cho những “người chơi” khác trong khu vực với khát vọng chinh phục lĩnh vực công nghệ tài chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận