Ngành đường sẽ hồi sinh khi Việt Nam đánh thuế hơn 47% đường Thái Lan?
Sau hơn một năm điều tra, mới đây, Bộ Công Thương chính thức áp thuế 47,64% đối với cả đường thô và đường tinh luyện. Mức thuế này có hiệu lực trong năm nay kể từ 16/6.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng: "Quyết định này đối với ngành mía đường Việt Nam là một tia sáng bình minh, báo hiệu cho giai đoạn mới, là mốc lịch sử của ngành mía đường Việt Nam.
Và đối với quốc tế, đây cũng là một sự kiện ít có khi lần đầu tiên một quốc gia khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp mặt hàng đường".
Tác động của quyết định này đã phần nào được nhận rõ từ sau khi Bộ Công Thương điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo đó, giá mua mía đã tăng 150.000- 200.000 đồng/tấn mía so với trước đây, bình quân hơn 1 triệu đồng/tấn, tương đương hơn 44 USD/tấn và đã được bà con nông dân hưởng ứng, chấp nhận.
Mức giá này cũng đã tiệm cận với giá mía trong khu vực ASEAN khoảng trên dưới 50 USD/tấn mía.
Cũng theo ông Lộc, ngành đường Việt Nam vốn là ngành chế biến, sản xuất nông sản tương đối lớn trong khu vực, tuy nhiên, so với các nước đối thủ thì ngành hàng này của Việt Nam đã bị tụt hậu khi có 15 nhà máy bị đóng cửa, diện tích canh tác giảm một nửa.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng hơn 330% so với năm 2019.
Bởi theo ông Lộc đường nhập lậu lại lũng đoạn giá, đường sản xuất trong nước vẫn không tiêu thụ được, doanh nghiệp và nông dân tiếp tục gặp khó khăn.
"Việc áp thuế này là sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, mới chỉ đưa ngành mía đường Việt Nam về điều kiện công bằng trong khi bản chất gian lận thương mại là khi chúng bị ngăn lại thì lại lẩn tránh bằng cách khác", Quyền Tổng Thư ký VSSA chia sẻ.
Phân tích cụ thể, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay thực tế tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn hoạt động, bất chấp việc gia tăng kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh COVID- 19.
Theo đó, trong tháng 5/2021, loại đường nhập khẩu từ các nước ASEAN gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia cùng đường “nhập lậu” từ Campuchia và Lào hoàn toàn làm chủ thị trường khiến cho đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia này trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt gần 6.600 tấn nhưng nó đã tăng gấp 40 lần trong 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 263.000 tấn.
Thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả năm nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan, và bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan", VSSA nhận định.
Đây cũng là nguyên nhân khiến Quyền Tổng thư ký VSSA khẳng định hoạt động trong thị trường mở, thị trường hội nhập hiện nay, sản xuất tốt thôi là chưa đủ mà cần phải biết cách bảo vệ như sử dụng công cụ chính thống, thiết lập các hệ thống chống hiện tượng lẩn tránh, đường lậu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận