Ngành đường sắt lý giải chuyện giá vé tàu Tết tăng
Giá vé tàu Tết Ất Tỵ 2025 tăng 3-5% so với cùng kỳ năm trước khiến nhiều hành khách lo lắng, bởi đây là phương tiện vốn phù hợp với đại đa số. Ngành đường sắt lý giải, tăng giá để tăng chất lượng phục vụ hành khách.
Nguyên nhân giá vé tàu Tết tăng
Còn hơn 2 tháng nữa tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều người làm ăn xa rục rịch đặt vé tàu xe về quê. Chị Nguyễn Thị Oanh, công nhân khu công nghiệp tại Đồng Nai cho biết, từ giữa tháng 10 đã bắt đầu tìm đặt vé tàu về quê ở Thanh Hoá. Gia đình chị Oanh có 2 vợ chồng, ông bà và 2 con. Mọi năm, gia đình chị Oanh chọn vé tàu hoả để đỡ vất vả trong đi lại.
“Năm nay, tôi tìm hiểu vé tàu hoả cho 6 người từ ga Sài Gòn về ga Thanh Hoá. Bố mẹ già, con nhỏ, thời gian đi lại lâu, tôi định chọn giường nằm, tuy nhiên giá vé tăng so với năm ngoái. Hiện nay, giá vé tàu từ 1,9 - 2,1 triệu/vé giường nằm, ghế mềm điều hòa khoảng 1,6 triệu đồng/vé. Năm nay, công ty không còn tăng ca, thu nhập giảm nên giá vé tàu tăng cũng thêm 1 khoản chi phí”, chị Oanh chia sẻ. Chị nhẩm tính, với 6 thành viên, số tiền vé tăng thêm khoảng 600-700 nghìn đồng.
Lo lắng của chị Oanh cũng là nỗi niềm chung của nhiều người lao động xa quê. Dù có nhiều ưu điểm (an toàn, giờ chạy tàu ổn định) nhưng việc giá vé tàu Tết tăng 3-5% khiến nhiều người thêm lo lắng.
Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, ông Đỗ Văn Hoan - Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải đường sắt, cho biết, đến nay, vé tàu các ngày từ 22 - 28 tháng Chạp (21-27/1/2025) hết chiều từ TPHCM ra địa phương phía Bắc. Các ngày khác, vé tàu Tết vẫn còn nhiều. Tốc độ bán vé so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 80%, hành khách mua vé sớm hơn. Giá vé tàu Tết Ất Tỵ 2025 tăng 3-5% giá vé (tùy từng cung, chặng) so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2025, ngành đường sắt bỏ chính sách bán vé ghế phụ, bỏ chính sách chuyển đổi giường nằm thành ghế ngồi. Số lượng hành khách phục vụ sẽ dẫn tới tăng chất lượng dịch vụ.
Cần hỗ trợ hành khách yếu thế
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định, Bộ GTVT quản lý mức giá sàn với loại hình vé tàu ghế ngồi cứng, ngồi mềm. Các loại vé tàu khác như ghế mềm, giường nằm do Cty CP Vận tải đường sắt quyết định phù hợp với kế hoạch chạy tàu. Hiện nay, giá cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng, ngồi mềm phải kê khai giá với Bộ Tài chính và niêm yết giá theo quy định.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, vé tàu xe là một trong các nhu cầu thiết yếu phục vụ người dân trong dịp nghỉ Tết cổ truyền hằng năm. Việc giá vé tàu tăng sẽ khiến người yếu thế như người lao động thu nhập thấp, sinh viên lo lắng khi phát sinh thêm chi phí. Vì vậy, ông Long khuyến nghị, bên cạnh tăng giá vé, ngành đường sắt cần có chính sách hỗ trợ người lao động yếu thế.
“Ngành đường sắt nhiều năm nay thua lỗ nên việc tăng giá vé có thể giúp một phần cải thiện doanh thu, tăng chất lượng dịch vụ, cạnh tranh với loại hình vận tải khác. Tuy nhiên, với đặc thù của mình, ngành đường sắt cần phải minh bạch khoản tăng thêm từ tăng giá vé, tăng chất lượng dịch vụ để hài hoà giữa yêu cầu phát triển và đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ khách hàng, nhất là khách hàng yếu thế”, ông Long kiến nghị.
Lịch chạy tàu Tết Ất Tỵ 2025 được lên kế hoạch từ ngày 15/1 đến hết 16/2 (16/12-19/1 âm lịch). Giai đoạn này mỗi ngày có 22 đôi tàu chạy, gồm 9 đôi tàu khách Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội) và 13 đôi tàu khu đoạn (chặng ngắn đi tỉnh, thành).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận