Ngành dệt may và da giày hướng đến phát triển bền vững
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19, ngành dệt may và da giày Việt Nam vẫn đạt được sản lượng xuất khẩu cao, khả năng liên kết đã tốt hơn.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đang đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc đối với doanh nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa để phân tán rủi ro. Những thay đổi này tạo ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp dệt may và da giày đã thay đổi chiến lược về phát triển, đẩy mạnh liên kết ngay tại trong nước. Hiện nay, một số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, tự chủ từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất đến bán hàng hay sở hữu nhãn hiệu riêng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: "Chúng ta phải tiếp tục xây dựng giải pháp liên kết trong nội khối của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là chia sẻ những thông tin, chia sẻ những đơn hàng và vai trò của Hiệp hội là vai trò kết nối những doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải có một cái liên kết với các doanh nghiệp lớn để tạo dựng một nền tảng đơn hàng cho mục tiêu có đơn hàng ổn định".
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy ngành dệt may, da giày phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chiếm vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận