menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tố Uyên

Ngành dệt may: Không thể bền vững nếu dựa vào gia công và nhân công giá rẻ

Để gia tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng thành công các hiệp định thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, lợi thế chi phí nhân công thấp của dệt may Việt Nam là không đủ mà còn rất cần công nghệ hiện đại nhằm theo kịp xu hướng của thế giới.

Các chuyên gia đánh giá tại Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với kỹ thuật số trong ngành dệt may” do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) và Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức ngày 9/7.

Vẫn dựa vào sản xuất gia công và nhân công giá rẻ

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, trong 10 năm qua, ngành dệt may đã đón được xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các nước xung quanh về Việt Nam và có sự gia tặng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu. Theo dự kiến, năm 2019 ngành dệt may sẽ đạt 40 tỷ USD.

"Tương lai phía trước của ngành dệt may rất rộng mở khi được đánh giá là một trong những ngành sẽ hưởng nhiều lợi ích nhất từ các hiệp định thương mại", ông Cẩm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, tăng trưởng xuất khẩu dệt may vẫn dựa vào sản xuất gia công và nhân công giá rẻ, cả 2 yếu tố này không bền vững. Bởi theo quy luật chung, sản xuất gia công sẽ chuyển dịch về các quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ hơn, trong khi đó chi phí cho lao động của Việt Nam ngày một tăng.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là việc áp dụng khoa học công nghệ trong ngành dệt may còn hạn chế. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược - chính sách Công thương (Bộ Công thương) công bố năm 2018, tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, nhất là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chiếm khoảng 20%; 70% thiết bị có công nghệ trung bình; 10% công nghệ thấp. Với lĩnh vực dệt, hầu hết thiết bị dệt thoi có trình độ trung bình khá nhưng công nghệ sử dụng trong dệt kim chỉ ở mức thấp và trung bình.

Phát biểu tại hội thảo, ông Eu Joong Kim - Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cũng khuyến cáo, mặc dù ngành dệt may Việt Nam có nền tảng tốt với nhiều lợi thế nhưng trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay nếu chỉ dựa vào chi phí nhân công rẻ thôi thì chưa đủ mà phải có công nghệ mới để tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

"Nếu các doanh nghiệp ngành dệt may không quan tâm tới cuộc cách mạng 4.0 và có những kế hoạch áp dụng công nghệ số và tự động hóa trong sản xuất kinh doanh thì khả năng doanh nghiệp sẽ bị loại ra khỏi thị trường là rất lớn", ông Eu Joong Kim nhấn mạnh.

Ngành dệt may: Không thể bền vững nếu dựa vào gia công và nhân công giá rẻ

Áp dụng công nghệ - con đường sống còn của doanh nghiệp

Đại diện Vitas cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vẫn được nhắc đến với các ứng dụng phổ biến của tự động hoá, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may.

"Ví như việc áp dụng tự động hoá giúp giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất cũng giúp ngành dệt may sản xuất xanh và sạch, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ in 3D trong sản xuất cho phép tạo ra sản phẩm thoả mãn tối đa nhu cầu người dùng và giảm lãng phí cho nhà sản xuất" - ông Cẩm phân tích.

Đại diện Vitas nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh hiện nay, áp dụng công nghệ là con đường duy nhất giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định. Đồng thời giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng thành tựu của CMCN 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức khi tham gia vào các hiệp định thương mại.

Theo ông Eu Joong Kim, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu áp dụng CMCN 4.0 trong tất cả các ngành công nghiệp để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể để triển khai.

Đối với ngành dệt may, Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ngành dệt may: Không thể bền vững nếu dựa vào gia công và nhân công giá rẻ

Đặc biệt, Việt Nam có thế mạnh là quy định về xuất xứ cộng gộp trong EVFTA giúp sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được tính xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Điều đó không chỉ mang lại thuận lợi cho dệt may Việt Nam mà còn là cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc.

"Thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh và sẽ nhanh hơn nữa nếu như Chính phủ Việt Nam tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Hàn Quốc với hệ thống viện nghiên cứu kỹ thuật công nghệ lâu năm có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này", ông Eu Joong Kim nhấn mạnh./.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tăng nhanh chóng những năm qua. Năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu trên 29 tỷ USD sang Hàn Quốc. Trong lĩnh vực dệt may, Hàn Quốc hiện là quốc gia đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 4,7 tỷ USD, chiếm 25% trong tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào ngành.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
5 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại