Ngành dệt may đối mặt nguy cơ mất đơn hàng, thiếu lao động
"3 tại chỗ" hay "2 địa điểm, 1 cung đường" vẫn là giải pháp lý thuyết với ngành dệt may khi nhiều đối tác nước ngoài đã rút đơn hàng chuyển sang nước thứ 3, không ít lao động đã bỏ nhà máy.
Những tháng đầu năm ngành dệt may khá phấn khởi. Trên đà phục hồi có từ năm 2020, đơn hàng dồi dào. Ngay trong quý I/2021, nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng cho đến quý III. Có những doanh nghiệp đã ký đơn hàng cho cả quý IV năm nay mở ra hy vọng tăng trưởng cao hơn năm 2020 đã chắc trong tầm tay. “Thị trường cực tốt với dệt may Việt Nam”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói.
Nhưng làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ập tới và lan rộng ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, 19 tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách.
Các doanh nghiệp buộc phải chọn phương án “3 tại chỗ” hoặc “Một cung đường hai điểm đến”, nếu không theo các phương án đó thì không được sản xuất.
Cả hai phương án đều không khả thi với những doanh nghiệp quy mô lớn có cả ngàn công nhân. Hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.
Trong trao đổi trực tuyến với các phóng viên sáng ngày 2/8/2021, Chủ tịch của VITAS cho biết, đã có tới 35% các nhà máy trong ngành phải đóng cửa. Ngay cả một số doanh nghiệp đã thực hiện mô hình 3 tại chỗ cũng không hiệu quả. Phần nhiều ở các nhà máy chỉ có 30-40% công nhân đồng ý tham gia 3 tại chỗ, có nhiều doanh nghiệp số công nhân tham gia chỉ có 10-20% dù lãnh đạo doanh nghiệp hết sức thuyết phục.
Gần đây, sau gần một tháng “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào khủng hoảng vì trong nhà máy đã có nhiều dương tính. Sản xuất bị đình trệ.
Trước tình hình này, nhiều đối tác nước ngoài đã bắt đầu rút đơn hàng chuyển sang nước thứ ba. “Bối cảnh dịch COVID-19 kéo suốt từ tháng 5, tháng 6, qua tháng 7 đến nay thay đổi đột biến về những đơn hàng”, Chủ tịch VITAS nói.
Với tình hình hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành đơn hàng, có thể sẽ bị đối tác phạt, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.
Để duy trì được sản xuất trong bối cảnh đại dịch lan rộng hiện nay, chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn. Nhiều doanh nghiệp kiệt sức cả về nhân lực và vật lực.
Chủ tịch của VITAS, lãnh đạo của Vinatex và hàng loạt doanh nghiệp là Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè, Việt Thắng… đã cùng bộc lộ lo lắng, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát, người lao động chưa được tiêm vaccine, sản xuất tiếp tục đình trệ sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đối tác nước ngoài sẽ chuyển đơn hàng sang những nước mà dịch bệnh đã được kiểm soát, tỷ lệ người dân đã tiêm vaccine cao.
Để chống đỡ, các doanh nghiệp trong ngành loay hoay tìm mọi cách. Nhiều doanh nghiệp phía Nam chuyển nguyên vật liệu ra phía Bắc để các doanh nghiệp ngoài Bắc sản xuất. Nhưng cách này cũng không hiệu quả. Với cách này chi phí tăng và khó kịp thời gian giao hàng.
“Với áp lực giao hàng cao của một ngành sản xuất theo thời vụ, nếu không thể giao hàng đáp ứng về mặt thời gian sẽ gây đứt gãy nguồn cung, khách hàng yêu cầu hủy đơn hàng, như thế sẽ ảnh hưởng đến cả năm 2022, ảnh hưởng cho trung hạn”, ông Vũ Đức Giang cho biết.
Khi đối tac chuyển đơn hàng đi nước khác, doanh nghiệp Việt mất thị phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn lao động không có việc làm sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh, ông Đặng Vũ Hùng, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ.
Trở lại với vấn đề tổ chức sản xuất thế nào khi đại dịch vẫn đang bùng phát. Chủ tịch VITAS cho rằng “3 tại chỗ" hay "một cung đường hai điểm đến" vẫn là giải pháp lý thuyết chưa có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Hiện nay nhiều địa phương vẫn có những nhận thức khác nhau về mô hình này khiến việc quản lý không có sự xuyên suốt và thiếu nhất quán. Gần đây khi ở nhiều nhà máy các ca nhiễm COVID-19 tăng cao thì “3 tại chỗ” đã thành nỗi ám ảnh.
Theo Chủ tịch VITAS, “3 tại chỗ" không phù hợp với doanh nghiệp ngành may với đặc thù ngành này cần số công nhân lớn. Với ngành sợi và dệt lượng công nhân cần để duy trì nhà máy không quá lớn, hoạt động sản xuất chủ yếu là máy móc, thì “3 tại chỗ” có thể phù hợp.
Chủ tịch VITAS lo ngại hàng loạt nhà máy này thậm chí sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ tiềm lực để chi phí các vấn đề cho làm việc “3 tại chỗ”, trả lương hỗ trợ để người lao động quay trở lại làm việc.
Giải pháp cho ngành dệt may cũng như của mọi ngành khác đó là mọi người lao động được tiêm vaccine. Đây là vấn đề cấp thiết.
Ông Vũ Đức Giang đề nghị Chính phủ cần đánh giá tình hình thực trạng các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp dệt may ở các địa phương để có chính sách phân bổ vaccine về các phương. Các địa phương cũng cần quan tâm tiêm cho người lao động trong các nhà máy, các khu công nghiệp.
Nhìn về phía trước, Chủ tịch của VITAS nói, ngành dệt may Việt Nam đối mặt thách thức lớn ngay trong tháng 8/2021 và cả quý 3/2021. Không ai nói trước được quý 4/2021 sẽ như thế nào.
Kế hoạch của năm nay là xuất khẩu dệt may đạt con số 39-39,5 tỷ USD. Nếu hết tháng 8/2021 kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại khu vực phía Nam, cho các doanh nghiệp trở lại làm việc ở trạng thái bình thường thì xuất khẩu có thể đạt khoảng 32-33 tỷ USD.
Thiếu lao động là một mối lo ngại nữa của ngành dệt may là công nhân ở các nhà máy phía Nam đang rời nhà máy quê khá nhiều vì họ lo dịch bệnh. Các doanh nghiệp ngành này lo lắng khả năng công nhân quay lại vào khoảng 60-65%. Như vậy sẽ thiếu hụt nguồn lao động rất nghiêm trọng trong thời gian tới. Với khó khăn chồng chất như trên, Chủ tịch của VITAS thở dài nói: Nếu dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, vaccine chưa được tiêm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với ngành dệt may.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận