Ngành Dầu khí: Hoạt động thượng nguồn nội địa sẽ sôi động hơn từ năm 2024?
Với việc ban hành Luật Dầu khí vào năm 2022 và Quy hoạch Điện 8 vào năm 2023, kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho hoạt động thượng nguồn ở Việt Nam trở nên sôi động hơn.
Nhận định về giá dầu trong năm 2024, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, giá dầu Brent đạt mức trung bình 85 USD/thùng trong năm 2024. Đồng thời tin rằng nguồn cung thắt chặt sẽ hỗ trợ giá dầu trong năm 2024.
VNDirect nhận thấy nhu cầu dầu thô toàn cầu vẫn đang trên đà tăng trưởng. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng xấp xỉ 1,57 triệu thùng/ngày trong năm 2023 từ mức trung bình 99,43 triệu thùng/ngày vào năm 2022, và tiếp tục tăng 1,35 triệu thùng/ngày trong 2024.
Trong khi đó, rủi ro thắt chặt nguồn cung vẫn hiện hữu do: OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng; xung đột Nga – Ukraine kéo dài, và căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông có thể gây thêm sự bất ổn cho thị trường dầu mỏ.
“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng giá dầu Brent trung bình sẽ đạt 85 USD/thùng trong năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực Thăm dò và Khai thác toàn cầu”, VNDirect nhận định.
Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, hoạt động thượng nguồn nội địa dự kiến sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024. Sản lượng khai thác Dầu khí tại Việt Nam đã liên tục giảm kể từ năm 2015 do thiếu vắng các dự án E&P lớn. Nguyên nhân chính đến từ việc giá dầu sụp đổ vào năm 2014 và duy trì ở mức thấp trong nhiều năm, khiến các dự án phát triển Dầu khí mới khó đem lại hiệu quả kinh tế.
Theo quan điểm của đơn vị này, các hoạt động thượng nguồn trong nước sẽ sôi động hơn kêt từ năm 2024, được kích hoạt bởi: môi trường giá dầu cao và môi trường pháp lý được cải thiện với việc ban hành Luật Dầu khí vào năm 2022 và Quy hoạch Điện 8 vào năm 2023, kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho hoạt động thượng nguồn ở Việt Nam trở nên sôi động hơn.
VNDirect cũng kỳ vọng hoạt động E&P trong nước sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024, mang lại lượng backlog khổng lồ cho các nhà thầu EPCI. Theo đó, nhiều dự án Dầu khí vừa và nhỏ đã được bật đèn xanh và có những chuyển biến đáng kể, đơn cử như Đại Hùng pha 3, Kình Ngư Trắng và Lạc Đà Vàng. Những dự án này sẽ cũng cấp lượng việc làm tiềm năng đáng kể cho các nhà thầu EPCI trong nước.
Đối với các dự án nhiều tỷ USD Lô B, phía chủ mỏ đã tổ chức lễ ký kết Dự án chuỗi giá trị khí điện Lô B – Ô Môn và trao thầu một số gói EPCI trọng điểm. VNDirect kỳ vọng, các bên liên quan sẽ sớm hoàn tất đàm phán thương mại và nhận được FID cho toàn chuỗi dự án vào đầu năm 2024, tạo tiền đề cho dự án được triển khai đồng bộ.
“Với ước tính vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD cho giai đoạn đầu tiên (tính đến thời điểm first gas vào cuối năm 2026), dự án Lô B sẽ cung cấp khối lượng công việc lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn như nhà thầu EPCI và nhà cung cấp dịch vụ khoan/giếng khoan”, VNDirect đánh giá.
Với lĩnh vực Vận tải Dầu khí, VNDirect đánh giá, triển vọng thị trường vận tải Dầu khí có vẻ sẽ duy trì ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các đơn vị vận tải trong một vài năm tới. Theo đơn vị này, điều kiện thị trường đối với hầu hết các loại hình vận tải Dầu khí vẫn duy trì vững chắc trong một vài năm tới. Nhu cầu thương mại Dầu khí đang cải thiện do xu hướng chuyển dịch không thể đảo ngược của dòng chảy năng lượng toàn cầu sang những tuyến hải trình xa hơn, và nhu cầu hóa chất tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á.
Tuy nhiên, tăng trưởng đội tàu toàn cầu dường như bị hạn chế do đầu tư đã sụt giảm mạnh trong vài năm qua. Hơn nữa, căng thẳng khu vực leo thang (như căng thẳng tại Biển Đỏ) là một rủi ro tiềm ẩn khác đối với thị trường vận tải Dầu khí toàn cầu vì nó có thể đột ngột làm gián đoạn các tuyến đường hàng hải quan trọng.
Cũng theo VNDirect, cán cân cung/cầu hiện nay nhìn chung sẽ hỗ trợ giá thuê tàu tiếp tục neo ở mức cao, qua đó, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp có mức độ hoạt động mạnh trên thị trường quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận