Ngành công nghệ Trung Quốc: Bữa tiệc đã tàn?
Ngành công nghệ Trung Quốc đang đối mặt với “tình trạng rệu rã sau một bữa tiệc say sưa” khi chiến tranh thương mại và nền kinh tế giảm tốc khiến thị trường việc làm ngành công nghệ rơi vào cảnh ảm đạm.
Yang Shao, một chuyên gia săn đầu người lĩnh vực công nghệ ở Thâm Quyến, đang nhận thấy tình trạng bất ổn lớn trên thị trường việc làm. Khác với các chính sách tuyển dụng ồ ạt trong những năm gần đây, các công ty công nghệ Trung Quốc đang ngần ngại ở giai đoạn cuối trong quy trình tuyển dụng vì phải cân nhắc liệu họ có đủ sức chi trả cho các ứng viên hoặc liệu họ có thực sự cần họ hay không.
Yang Shao cho biết trong một số trường hợp, các công ty giả vờ tuyển dụng chỉ để phỏng vấn và cảm nhận, đánh giá thị trường lao động. Kiểu làm này cũng đã từng xuất hiện trong quá khứ nhưng giờ đây đang được sử dụng với tuần suất lớn hơn ở Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc.
“Tôi đã làm việc trong lĩnh vực săn đầu người ngành công nghệ gần 6 năm. Thị trường việc làm giờ đây kém tích cực hơn so với giai đoạn kinh tế trì trệ gần đây nhất 2015-2016”, Yang Shao, người đang làm việc cho công ty tuyển dụng Michael Page, nói.
Từng tăng trưởng bùng nổ, cung cấp nhiều công việc đáng mơ ước cho những tài năng trẻ của Trung Quốc, ngành công nghệ giờ đây đang thức tỉnh trước hiện thực u ám.
Các chuyên gia nói rằng đã đến lúc ngành công nghệ Trung Quốc phải tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận, hơn là quyết liệt mở rộng thị phần như những năm trước đây vì tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ đang gây tổn thương cho niềm tin và đầu tư.
Kể từ cuối năm ngoái, ngành công nghệ Trung Quốc đã chứng kiến nhiều đợt sa thải, các thông tin về cắt giảm tiền thưởng và sự suy giảm mạnh về nhu cầu tuyển dụng mới.
Hiện trạng này khác xa với giai đoạn 2015-2017 khi thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến khác đứng dầu trong Chỉ số Thị trường Lao động Trung Quốc, một chỉ số đo lường các diễn biến trên thị trường lao động do Đại học Nhân dân Trung Quốc và trang tìm kiếm việc làm Zhaopin cùng thiết lập.
Bắt đầu từ năm 2018, chỉ số này giảm năm quí liên tiếp. Trong quí đầu tiên 2019, nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghệ ở Trung Quốc giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm trong ngành này tăng 37%.
Yang Shao cho biết tại Thâm Quyến, nơi đặt đại bản doanh của các “ông lớn” công nghệ như Huawei và công ty sản xuất máy bay không người lái DJI, anh chứng kiến nhu cầu tuyển dụng mới của các khách hàng của anh giảm 30-40% trong năm nay.
Ngành công nghệ là nơi các nhân viên nhảy việc thường xuyên để tìm kiếm các vị trí và mức lương cao hơn nhưng giờ đây, đa phần họ bằng lòng với vị trí đang có.
Một chuyên gia săn đầu người cho các công ty internet ở Bắc Kinh tiết lộ các công ty công nghệ bao gồm các ông lớn như Kuaishou, một trong những nền tảng chia sẻ video trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, đã ngưng tuyển dụng thông qua công ty của cô kể từ cuối năm 2018.
Bên cạnh “đóng băng” số lượng nhân sự, các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc cũng tái cấu trúc các hoạt động để cải thiện tính hiệu quả và điều này có nghĩa là đóng cửa những mảng kinh doanh thua lỗ và cắt giảm những khoản chi tiêu đang tăng quá nhanh, dẫn đến một loạt đợt sa thải. Baidu, Tencent và JD.com đều đã thông báo các biện pháp tối ưu hóa nhân sự và cắt giảm các quản lý cấp cao đang hưởng các mức lương cao ngất ngưởng để tạo cơ hội cho các tài năng trẻ.
Hồi đầu năm nay, hãng công nghệ NetEase, có trụ sở ở Quảng Châu, đã cắt giảm nhân sự tại mảng thương mại điện tử Yanxuan, mảng nông nghiệp Weiyang và mảng giáo dục.
Hồi tháng 2, hãng gọi xe Didi Chuxing quyết định sa thải 2.000 nhân viên. Tuy nhiên, đợt sa thải lớn gần đây nhất diễn ra khi công ty khởi nghiệp kinh doanh ô tô cũ Renrenche ở Bắc Kinh thông báo hồi tháng trước rằng công ty sẽ cắt giảm tới 60% nhân sự. Đây là đợt sa thải thứ hai của Renrenche trong năm nay.
Tình hình tuyển dụng việc làm càng khó khăn hơn do thiếu các phương án huy động tài chính ở các công ty công nghệ nhỏ. Giữa lúc các nhà đầu tư hào phóng thắt lưng buộc bụng, các công ty công nghệ ở Trung Quốc chỉ huy động được 37,2 tỉ nhân dân tệ (5,4 tỉ đô la Mỹ) trong nửa đầu năm nay, chỉ bằng phân nửa so với con số vào cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của công ty tư vấn EO Intelligence.
Hồi tháng 6, cuộc khảo sát của trang 36Kr.com, chuyên theo dõi huy động vốn của các công ty khởi nghiệp, phát hiện thấy rằng 1/3 doanh nhân khởi nghiệp ở Trung Quốc cho biết họ phải tiếp cận hơn 100 nhà đầu tư mới có thể gọi đủ vốn.
Brock Silvers, Giám đốc công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital ở Thượng Hải, nói: “Giờ đây, với nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và ít phương án huy động vốn dễ dàng, ngành công nghệ Trung Quốc có thể buộc phải thắt chặt chi tiêu”.
Công ty công nghệ Shenzhen Costar Smart Tech từng là ngôi sáng của ngành thiết bị mạng lưới viễn thông. Được thành lập năm 2004, công ty này có đội ngũ nhân sự 1.000 người và một nhà máy rộng 20.000m2 ở quận Bảo An, TP Thâm Quyến.
Tuy nhiên, các nhà cung ứng địa phương đã đến cổng nhà máy của Shenzhen Costar Smart Tech biểu tình từ hôm 4-7 vì công ty đang thiếu nợ của họ 80 triệu nhân dân tệ (11,6 triệu đô la Mỹ). Hôm 5-7, Costar đăng thông báo gửi đến 1.000 công nhân, nói rằng nhà máy chính thức đóng cửa vì lợi nhuận suy giảm. Các công nhân sẽ mất việc và sẽ được bồi thường theo cam kết.
Tuy nhiên, các nhà cung ứng không tiếp cận được khoản bồi thường đó. “Costar bất ngờ đóng cửa nhà máy. Đó rõ ràng là hành vi lừa đảo hơn 200 nhà cung ứng”, Simon Song, một nhà cung cứng của Costar, nói.
“Tất cả những người sáng lập công ty này đã bỏ trốn. Các nhà cung ứng như chúng tôi không có cách nào liên hệ được với công ty”, Song than vãn.
Một nhà cung ứng khác của Costar nói: “Nguy cơ không đòi được nợ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn đối với các nhà cung ứng trong ngành công nghệ. Ngoài Costar, các nhà máy công nghệ khác cũng đang nợ chúng tôi. Chúng tôi đang lo lắng và sẽ thận trọng hơn trong tương lai”.
Jeffrey Towson, Giáo sư chuyên ngành đầu tư ở Đại học Bắc Kinh, nhận định ngành công nghệ Trung Quốc đang rơi vào đà suy giảm sau nhiều năm chạy hết tốc lực.
Ông nói: “Khi bạn nhìn vào các mảng nhỏ trong ngành công nghệ Trung Quốc như xe điện, cho vay ngang hàng, đào tiền ảo, game trực tuyến..., bạn sẽ thấy có chút tình trạng rệu rã sau bữa tiệc”.
Theo South China Morning Post
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận