Ngành cá tra Việt Nam bước vào chu kỳ tăng?
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhận định từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Mức tồn kho thấp kỳ vọng tiếp tục giữ đà tăng cho giá bán cá tra khi nhu cầu tiêu thụ vẫn khả quan và nguồn cung chưa đáp ứng.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trị ước tính khoảng gần 3,6 tỷ USD, cao hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng với mặt hàng cá tra, theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, 4 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu đạt 950 triệu USD, tăng 94%. Hai thị trường chính của sản phẩm cá tra - Trung Quốc và Mỹ, chiếm tỷ trọng lần lượt là 32% và 24,5%, đều tăng trưởng ba con số trong 4 tháng đầu năm. Trong đó, Trung Quốc tăng 161% đạt 306 triệu USD, Mỹ tăng 128% đạt hơn 232 triệu USD.
Bà Hằng nhận định xuất khẩu cá tra tăng ở các thị trường nhờ nhu cầu cao và giá xuất khẩu tốt. Sau hai năm kiềm chế vì dịch Covid-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục, nguồn cung tại không đủ đáp ứng, lạm phát giá tăng. Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung thuỷ sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng. Các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.
Thị trường Mỹ và Trung Quốc vẫn là điểm sáng đến hết năm
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhận định từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Lý do là hết tháng 6, tại Mỹ, việc tắc nghẽn cảng sẽ không còn. Việc vận chuyển dễ dàng hơn nên xuất khẩu sang thị trường này sẽ tích cực hơn trong bối cảnh nhu cầu thịt trắng tăng cao.
Tại Trung Quốc, việc nới lỏng dần việc phong tỏa sẽ được thực hiện do việc kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn. Thêm vào đó, nhu cầu ở các thị trường khác có xu hướng tăng, đặc biệt tại châu Âu.
Đồng quan điểm, báo cáo Chứng khoán BSC nhận định nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu khả quan trong năm 2022 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao. Các thị trường xuất khẩu chính của cá tra (Mỹ, Trung Quốc, EU) đều đã có tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao. Thậm chí, một số nước đã tiêm thêm mũi tăng cường. Việc tiêm vaccine kỳ vọng duy trì mở cửa kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản khi hơn 60% sản lượng thủy sản được tiêu thụ qua kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn).
Tại thị trường Mỹ, khi số ca nhiễm duy trì ở mức nền thấp và tỷ lệ tiêm phòng cao, cuộc sống của người dân đã quen với việc sống chung với Covid-19. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng trở lại trong khi mức tồn kho cá tra đã ở mức rất thấp sau hai năm dịch bệnh đã khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường việc nhập khẩu cá tra.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga do chiến tranh tại Ukraine kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay thế từ các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Trung bình hàng năm, Nga xuất khẩu 4,5-5,8 tỷ USD kim ngạch thủy sản, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là sản phẩm cua alaska, cá minh thái.
Giá cá tra xuất khẩu tăng do chi phí đầu vào và nguồn cung hạn chế
Đề cập đến giá, ông Trương Đình Hòe nhận định giá xuất khẩu cá tra sẽ cao hơn năm trước vì nguồn cung, chi phí đầu vào tăng.
Đơn vị phân tích BSC cho rằng nguồn cung cá tra từ người dân cần có thời gian để mở rộng. Mức tồn kho thấp sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Tồn kho của cá tra đã có cải thiện so với mức đáy tồn kho của tháng 9/2021 nhưng vẫn đang ở mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây, ở mức 138.000 tấn cá nguyên liệu, tương đương 110.000 tấn cá thành phẩm, bằng một tháng sản lượng xuất khẩu. Mức tồn kho thấp kỳ vọng tiếp tục giữ đà tăng cho giá bán khi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất khả quan trong khi nguồn cung chưa thể điều chỉnh kịp thời.
Tồng kho cá tra và sản lượng xuất khẩu tại Việt Nam: Nguồn: BSC
Theo BSC, giá cá nguyên liệu và giá cá giống trong quý I năm nay tăng mạnh. Giá cá giống tháng 3 quanh mức 47.000 đồng/kg, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá nguyên liệu tháng 3 ở mức 32.000 đồng/kg, tăng 52% so với cùng kỳ. BSC cho rằng giá cá đầu vào đang phản ánh lại nhu cầu thu mua từ nhà máy khả quan khi đơn hàng xuất khẩu tốt trong khi nguồn cung chưa khôi phục kịp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc giá cá nguyên liệu ở mức cao sẽ thúc đẩy việc người dân tăng thả cá làm tăng nguồn cung. BSC cho rằng nguồn cung cá tra sẽ tăng mạnh từ cuối quý II năm nay.
Ngành cá tra tại Việt Nam thường vận động theo chu kỳ (chu kỳ gần nhất 2017-2019). Sau khi chịu tác động bởi giai đoạn ngành đi xuống (2019) và hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi cung ứng đứt gãy (2020-2021), BSC cho rằng ngành cá tra bước vào chu kỳ tăng trong năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận