Ngành bán lẻ thay đổi để phát triển
Theo các chuyên gia, xu hướng thương mại bán lẻ trong thời đại mới và sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong hiện tại buộc ngành bán lẻ phải thay đổi cho phù hợp, nhất là phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số.
Sau thời gian trầm lắng với sức mua giảm mạnh bởi dịch bệnh thì từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục. Nhu cầu mua sắm và sức mua của người tiêu dùng ngày càng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,4%). Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 322,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 40,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 845 tỷ đồng, giảm 34,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4%. Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, bán lẻ là ngành chịu tác động trực tiếp do sự sụt giảm trong tổng cầu, sức mua, khi người tiêu dùng có xu hướng gia tăng tiết kiệm, trì hoãn việc chi tiêu, cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh sức mua và doanh số giảm, doanh nghiệp bán lẻ còn đối mặt với những bất ổn trong chuỗi cung ứng, nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh. Dưới tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động rất lớn do thiếu nguồn lực và đầu ra cho sản phẩm. Kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ cho thấy, gần 42% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh hình thức kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử và nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng mới.
Hiện nay, hầu hết các thương hiệu bán lẻ lớn như Vinmart, Co.opmart, Hapromart… đều đẩy mạnh phát triển kinh doanh trực tuyến. Đại diện Tập đoàn BRG cho biết, thời gian qua cùng với việc mở rộng và phát triển mạng lưới hệ thống chuỗi siêu thị BRGMart thì đơn vị không ngừng đầu tư phát triển kinh doanh trực tuyến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tập đoàn đã triển khai ứng dụng bán hàng trực tuyến BRG Shopping thông qua App BRG Shopping giúp khách hàng có thể tiếp cận các sản phẩm nổi bật, các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; đặt hàng dễ dàng; lưu toàn bộ lịch sử các đơn hàng giúp khách dễ dàng tìm kiếm thông tin để đặt mua lại các sản phẩm yêu thích; giảm bớt thời gian mua sắm, tiêu dùng, mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng… Qua đó không chỉ đem lại sự thuận lợi cho người tiêu dùng mà còn đẩy mạnh doanh thu bán lẻ cho tập đoàn.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op nhấn mạnh, với việc đẩy mạnh hình thức kinh doanh trực tuyến, Saigon Co.op đã ứng dụng công nghệ, phối hợp cùng nhiều đơn vị thương mại điện tử thực hiện các chương trình kích cầu hàng Việt trên ứng dụng điện tử. Qua đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op luôn giữ vững thị phần và đạt tổng doanh thu ở mức cao so với thị trường chung. Tổng doanh thu Saigon Co.op trong năm 2020 ước tính vượt 33 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 90% kế hoạch. Trong những năm tới, song song việc mở rộng các điểm bán hàng và mạng lưới hệ thống trên toàn quốc thì DN đẩy mạnh bán hàng đa kênh phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời đầu tư nền tảng hạ tầng và công nghệ hóa, số hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8% - 10%. Đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng bình quân từ 4% - 5%/năm, năng suất lao động tăng trưởng bình quân từ 5% - 6%/năm.
Sự chuyển đổi cách thức kinh doanh và ứng dụng công nghệ số đang được các doanh nghiệp bán lẻ áp dụng nhanh chóng. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nền tảng và chuẩn bị sẵn các kịch bản phù hợp để thích ứng kịp thời với sự thay đổi trên, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, chỉ những cơ sở đầu tư mạnh vào giải pháp công nghệ để tăng cường tiếp cận, tạo ra những trải nghiệm mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng mới có thể tồn tại. Việc áp dụng công nghệ vào ngành bán lẻ không chỉ giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề về logistics, tài chính, kiểm soát chất lượng, mà còn cả quá trình thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã có nhiều tác động đến nền kinh tế nói chung và tác động đến ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ, đến thị trường phân phối – bán lẻ nói riêng, trước hết là những thay đổi/biến động trong việc mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng Việt cũng như những yêu cầu mới của thị trường. Trong đó nhận thấy rõ sự thay đổi về về hành vi tiêu dùng của người dân và hình thức mua sắm trực tuyến cùng dịch vụ giao hàng và bán lẻ đa kênh lên ngôi. Các nền tảng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng theo đó dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu. Chính vì thế trong thời gian tới, xu hướng chuyển đổi, tăng cường bán lẻ trực tuyến/bán lẻ đa kênh sẽ tiếp tục được các DN bán lẻ hướng tới. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời, nhiều DN bán lẻ không những giữ vững được thị trường mà còn mở rộng, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận