24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Tình
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân sách Trung ương có khó khăn?

Trong ngày làm việc cuối tuần, Bộ Tài chính đã lên tiếng khẳng định không có chuyện “ngân sách hết tiền”, hay “ngân sách trống rỗng” mà dư luận đang đề cập.

Trước đó, thông tin “ngân sách hết tiền”, hay “ngân sách trống rỗng” đã được nhiều người hiểu nhầm sau nội dung phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/9.

Ngân sách Nhà nước 8 tháng thặng dư

Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Tài chính sau đó, không có chuyện ngân sách trống rỗng, hết tiền. "Vì thực tế, thu ngân sách vẫn được 77% và thu năm nay vẫn vượt so với dự toán ngân sách Quốc hội giao. Ngân sách hết tiền” thực chất là tôi muốn nói đến ngân sách “dự phòng” Trung ương. Đây là 2 khoản khác nhau", Bộ trưởng khẳng định với báo chí.

Nói về ngân sách Trung ương, ngân sách dự phòng, thực tế, Bộ Tài chính đã có công bố rõ ràng, cập nhật từng tháng kết quả và công tác quản lý nhà nước. Bản công bố cập nhật đến hết tháng 8/2021, vào ngày 8/9/2021 của Bộ Tài chính thể hiện: Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8 ước đạt 78,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN 8 tháng đầu năm ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách trung ương ước đạt 71,4% dự toán, ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán).

Trong cơ cấu nguồn thu, Bộ Tài chính cũng giải thích rõ do dịch bệnh COVID-19 nên diễn biến thu từ nội địa giảm dần qua các tháng kể từ tháng 4-8, thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm trong tháng 8.

Có thể thấy nguồn thu theo dự toán tăng so với cùng kỳ năm trước đã được “lũy kế” thuận lợi chủ yếu từ quý 1/2021, khi nền kinh tế vẫn chưa chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đặc biệt ở các tỉnh thành phía Nam.

“Theo Luật Ngân sách, khoản ngân sách dự phòng chiếm từ 2 – 4% tổng chi ngân sách để sử dụng cho việc phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hoả hoạn và những vấn đề phát sinh bất khả kháng xảy ra. Nguồn ngân sách dự phòng này với khoảng 17 nghìn tỷ đồng hiện đã chi hết. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 năm nay diễn biến rất phức tạp, nên đã chi hết nguồn đó cho các địa phương, bộ, ngành chống dịch. Tuy nhiên, nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như Công an, Quân đội và các địa phương vẫn là rất lớn.

Chính vì vậy, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ điều chỉnh vào dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong ngân của sách của Trung ương có một khoản chi dự phòng. Nguồn ngân sách hết ở đây là ngân sách dự phòng, chứ không phải ngân sách Trung ương hết tiền. Ngân sách Trung ương mà hết thì lấy đâu chống dịch, lấy đâu cho đầu tư công, đầu tư phát triển, lấy đâu trả lương...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Về cân đối NSNN, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 8 tháng có thặng dư tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương có bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn”, báo cáo nêu. Theo đó, có thể thấy cân đối NSNN không hề có cụm từ “ngân sách trung ương hết tiền” hay “mất cân đối thu chi”. Song song thặng dư (nằm ở ngân sách địa phương), việc bội chi trên thực tế đã được Quốc hội phê duyệt. Năm 2021, mức bội chi NSNN dự kiến là là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP. Hiểu được cân đối thu chi và bội chi, sẽ thấy Ngân sách Trung ương không thể rỗng.Bên cạnh đó, về chi, tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 115,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán. Trong cơ cấu chi thì cũng theo Bộ Tài chính cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (1,6 nghìn tỷ đồng).

Vì sao phải “xin” điều chuyển, bổ sung ngân sách dự phòng?

Cũng trong phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo hiện nay ngân sách dự phòng trung ương với 17.500 tỉ đồng đã chi hết, trong khi đó nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương là rất lớn.

Do đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỉ đồng điều chỉnh vào dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng lý giải để có được nguồn đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm 10% chi thường xuyên, tức cắt giảm các khoản chi cho các bộ, ngành… Bằng các giải pháp đó đã giảm được 14.620 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách, muốn bổ sung vào dự toán ngân sách, thì phải được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép. Bởi dự toán này đã được Uỷ ban Thường vụ trình Quốc hội ban hành rồi. Vì thế Chính phủ mới phải trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Đến nay, Bộ đã trình 5.500 tỷ cho phòng chống dịch, tuy nhiên vẫn phải có sự phê chuẩn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngân sách Trung ương có khó khăn?

Chính phủ đã chi hết 17.500 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch (ảnh: Một điểm xét nghiệm ở Hà Nội, Quốc Tuấn)

Như vậy, có thể nói nôm na với thực tế tài chính quốc gia hiện tại, Chính phủ không thiếu tiền nhưng mọi khoản “tiêu tiền” để phải tuân thủ đúng quy trình và quy định ngân sách, theo kế hoạch bố trí vốn đã được phê duyệt. Nếu có thay đổi thì phải trình và được Quốc hội cho phép. Điều này khá dễ hiểu. Có thể lấy ví dụ tương tự như ở TP HCM, bảng thống kê chi cho công tác chống dịch của TP (chưa bao gồm tạm ứng) đến tháng 8/2021, mới chỉ “tiêu” hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng không đồng nghĩa thực tế đã chỉ tiêu cho công tác chống dịch hơn 2.000 tỷ đồng, TP HCM cũng sẽ phải thực thi đúng quy trình để được duyệt và sử dụng ngân sách tạm ứng phù hợp kế hoạch và quy định ngân sách địa phương.

Cuối cùng, phải nói thêm rằng đối với một Chính phủ nói chung, đang điều hành trong nền chính trị, kinh tế, xã hội ổn định thì hầu như khó có chuyện ngân sách cạn tiền, nhất là với Việt Nam dù đã trải qua vài tháng khó khăn vì đại dịch, nhưng có nền tảng vững chắc cả về vị thế trong chuỗi cung ứng, định mức tín nhiệm bao gồm uy tín trả nợ quốc gia và sức khỏe hệ thống tài chính tiền tệ đã được cải thiện, với minh chứng đồng loạt được 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế nâng hạng vào đầu 2021. Với sự vững vàng đó, giả định trong trường hợp mà ngân sách trung ương có nguy cơ “rỗng không”…, thì Chính phủ vẫn còn rất nhiều "cửa" để bù đắp, mà một trong những phương pháp thông dụng nhất vẫn là có thể đi “vay tiền”.

“Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỷ Nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 27/8/2021 đã thực hiện phát hành được 199,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,96 năm, lãi suất bình quân 2,26% /năm”, Báo cáo cập nhật hoạt động quản lý tài chính Nhà nước tháng 8 của Bộ cũng nêu hoạt động này.

Nói một cách khác, tuy Nhà nước không thể tạo tiền hay in tiền vô tội vạ, nhưng phát hành trái phiếu Chính phủ thì vẫn có thể “tạo tiền” để hỗ trợ cân đối tài chính thông qua cầu mua của các định chế, tổ chức tín dụng, nhà đầu tư. Phương pháp này hữu hiệu khi vốn vay mượn được sử dụng đúng mục đích, hiệu suất đầu tư hiệu quả và tất nhiên ngưỡng vay mượn nợ quốc tế nếu phát sinh vẫn phải nằm trong trần nợ công cho phép. Theo World Bank đánh giá mới đây, các chính sách điều hành tài khóa, tiền tệ trong đại dịch vẫn đang được đánh giá tích cực, góp sức tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế và củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam.

Dù thế nào thì dư luận “ngân sách trung ương rỗng” cũng đã khiến người dân hiểu nhầm một phen. Đây thực sự là hiểu nhầm không đáng có, tuy nhiên lại cũng là một dịp để nhìn lại về cân đối Ngân sách Nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, một chuyên gia đặt câu hỏi là "Nhà nước phải chăng nên tính toán xây dựng cả kịch bản dự phòng, với giả thiết tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài, thậm chí xấu hơn với biến thể mới khiến thu ngân sách khó khăn hơn, chi cho dịch bệnh nhiều hơn khiến có thể thâm hụt ngân sách, và theo đó việc điều chỉnh ngân sách sẽ giải quyết hướng nào, trần nợ công liệu có thể nâng lên ở mức nào để cơ thể kinh tế vẫn chống chịu, phục hồi, đảm bảo cả khả năng trả nợ? Mọi kịch bản dự phòng đặt ra đều không phải để mong đợi nó xảy, mà là để chủ động hơn và để hướng về những kịch bản tốt hơn", chuyên gia nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả