Ngân sách nhàn rỗi đang được dùng như thế nào?
Bộ Tài chính cho biết, thông qua việc quản lý có hiệu quả Ngân quỹ nhà nước (NQNN), cơ quan (thông qua Kho bạc Nhà nước - KBNN) đã đóng góp 10.000 tỷ đồng vào NSNN giai đoạn 2019-2021.
Cụ thể, trong bối cảnh tồn NQNN tại KBNN cao (do một số nguồn chưa chi như nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nguồn tăng thu tiết kiệm chi chưa được phân bổ, chuyển vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Luật Đầu tư công…), Bộ Tài chính đã chủ động giảm khối lượng phát hành TPCP và sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương vay.
Năm 2018, 2019, 2020 và 2021 đã sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương vay lần lượt là 45.500 tỷ đồng, 50.000 tỷ đồng, 40.000 tỷ đồng và 50.000 tỷ đồng; đồng thời giảm kế hoạch phát hành TPCP các năm 2018, 2019 và 2021 lần lượt là 55.000 tỷ đồng, 57.600 tỷ đồng và 49.000 tỷ đồng.
Qua những cân đối và sử dụng nguồn nói trên, Bộ Tài chính đã giúp ngân sách trung ương giảm được chi phí lãi vay hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm (so với lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2021 là 2,3%/năm thì việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương vay với mức chi phí 1,2%/năm (giai đoạn 2019-2021) giúp giảm chi phí trả lãi vay hơn 3.100 tỷ đồng mỗi năm trên cơ sở số dư vay NQNN của ngân sách trung ương tính đến 31/12/2021 là 288.864,5 tỷ đồng).
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, công tác quản lý NQNN đã hỗ trợ tích cực cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ. Việc tập trung toàn bộ số dư NQNN cuối ngày về NHNN đã hỗ trợ đầu mối này có nguồn để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và ổn định thanh khoản thị trường, kiểm soát lạm phát, giữ được mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; giúp giảm chi phí cho NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận