Ngân hàng “xoay” vốn không chỉ cho lâu dài, mà cả trước mắt
Phát hành trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi tiếp tục là những giải pháp được các ngân hàng triển khai từ nay đến cuối năm nhằm nâng cao thanh khoản, đảm bảo hệ số an toàn vốn.
Phát hành trái phiếu: Giải pháp cũ vẫn được lựa chọn
Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cuối quý I/2019 là gần 130.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 1 tỷ USD là trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tính trên GDP của Việt Nam ở mức 1,8%, tuy còn thấp so với các nước trong khu vực nhưng liên tục tăng trong những năm gần đây.
Nhóm ngân hàng thương mại vẫn luôn là chủ thể phát hành lớn nhất. Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong nửa đầu năm 2019, các ngân hàng thương mại phát hành 30.450 tỷ đồng trái phiếu, chiếm hơn 40% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp. Kỳ hạn phát hành chủ yếu là 2 - 3 năm, lãi suất dao động phổ biến từ 6,3 - 7,0%/năm, mức lãi suất khá thấp so với lãi suất huy động tiền gửi. Trái phiếu kỳ hạn này được tính vào phát hành giấy tờ có giá và sẽ giúp tăng tỷ trọng vốn huy động trung và dài hạn của các ngân hàng.
Với dự báo nửa cuối năm 2019, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tập trung phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã nhanh chóng phát hành 300 triệu USD trái phiếu. Theo đó, hơn 7.100 tỷ đồng đã được VPBank thu về thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm. Được biết, trái phiếu có lãi suất danh nghĩa 6,25%/năm và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%.
Lãnh đạo VPBank cho biết: “Mục đích phát hành trái phiếu của VPBank nhằm tăng quy mô nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung và dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cho vay trung và dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và các đối tác”.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông báo phát hành thành công 3.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, lãi suất cố định 7,35%/năm.
“Đợt phát hành đã góp phần tăng quy mô vốn hoạt động, cải thiện cơ cấu huy động vốn của Ngân hàng theo hướng đa dạng hóa về kỳ hạn và hình thức huy động với chi phí rẻ hơn so với phương thức huy động tiền gửi thông thường, từ đó nâng cao chất lượng các hệ số bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình điều chỉnh giảm của cơ quan quản lý”, một lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank chia sẻ.
Các ngân hàng dự kiến phát hành trái phiếu từ nay đến cuối năm đáng chú ý là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2019 với tổng mệnh giá 10.000 tỷ đồng.
Trong tháng 7 này, Agribank dự kiến phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Lãi suất của trái phiếu áp dụng cho toàn bộ thời hạn 7 năm là lãi suất thả nổi (có điều chỉnh định kỳ) và được xác định theo công thức: lãi suất = lãi suất tham chiếu + 1,2%/năm. Lãi suất tham chiếu dùng để xác định lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng: BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank - Sở giao dịch tại ngày xác định lãi suất.
Phát hành chứng chỉ tiền gửi: Đường đua vẫn “nóng”
Ngược với lãi suất thấp của trái phiếu tăng vốn cấp 2, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã và đang phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng cá nhân, tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cao nhất là 9,1%/năm, nhận lãi cuối kỳ, nếu khách hàng nhận lãi hàng tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 8,38%/năm. Khách hàng cá nhân và tổ chức mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) sẽ được nhận mức lãi suất 8,6%/năm.
Chứng chỉ tiền gửi tại VietinBank có lãi suất từ 7,9 - 9%/năm, tùy kỳ hạn. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi được điều chỉnh hàng năm, đảm bảo cạnh tranh và có lợi nhất cho khách hàng. Khách hàng còn được hưởng ưu đãi 0,1% trên số tiền mua chứng chỉ tiền gửi.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), với chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7%/năm, 8,8%/năm và 8,9%/năm. Trong thông báo ban đầu, chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi này sẽ kết thúc vào ngày 6/6/2019, nhưng do chưa đủ khối lượng phát hành nên SHB vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý III/2019 vừa được Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, theo nhận định của các TCTD, tình hình kinh doanh quý II/2019 cải thiện tốt hơn so với quý I/2019 (76% TCTD nhận định tình hình kinh doanh cải thiện tốt hơn, trong đó 15,6% là cải thiện nhiều). Trong thời gian tới, 85,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III/2019 (cao hơn tỷ lệ 80,6% của cuộc điều tra tháng 3/2019) và 88,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018 (tương tự kết quả của cuộc điều tra tháng 3/2019), trong đó 20 - 27,4% TCTD kỳ vọng cải thiện nhiều.
Mức độ rủi ro tổng thể của khách hàng trong quý II/2019 về cơ bản là không đổi so với quý I/2019. Ở thời điểm tháng 6/2019, 94% TCTD nhận định, rủi ro của khách hàng ở mức bình thường hoặc thấp. Trong quý III/2019, 80% TCTD kỳ vọng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng là ổn định; 11,6% TCTD quan ngại rủi ro tăng nhẹ; 8,4% TCTD kỳ vọng rủi ro giảm. Dự báo cho năm 2019, các TCTD tiếp tục điều chỉnh kỳ vọng theo hướng tích cực hơn so với kỳ trước, với 69,5% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức ổn định, 16,8% TCTD dự báo giảm và 13,7% TCTD lo ngại rủi ro tăng (quý trước kỳ vọng tương ứng là 67,01%, 14,43% và 18,56%).
Được biết, cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 24/5/2019 đến ngày 14/6/2019, đối tượng là toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, với tỷ lệ trả lời đạt 89%. Sự lạc quan của các TCTD về tình hình kinh doanh cuối năm cho thấy, các giải pháp nhằm tích trữ thanh khoản sẽ còn được các ngân hàng đẩy mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận