Ngân hàng Việt trước CPTPP: Áp lực tạo động lực để thay đổi
Trong cuộc trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng về những thách thức và áp lực hệ thống ngân hàng Việt đối mặt từ CPTPP, Giáo sư Hà Tôn Vinh nêu quan điểm: “Có áp lực sẽ tạo ra động lực để thay đổi. Nếu không bước đi từ bây giờ chúng ta sẽ không đến đích”.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) theo mô hình hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, không chỉ tập trung đẩy mạnh tự do hóa trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, mà còn mở rộng đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư, trong đó có ngành tài chính - ngân hàng. Theo ông, tác động của CPTPP sẽ như thế nào đối với hệ thống ngân hàng Việt?
Với 11 nước thành viên, quy mô 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD, tương đương 15,2% thương mại toàn cầu, CPTPP được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích nhất cho các nước thành viên.
Theo CPTPP, đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, một nhà cung cấp dịch vụ của một nước CPTPP có thể cung cấp dịch vụ tài chính tại thị trường của nước tham gia CPTPP khác, nếu các công ty trong nước hoạt động tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Mặc dù yêu cầu cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận thị trường và đầu tư qua biên giới nhưng vẫn phải đảm bảo rằng, các nước trong CPTPP có đủ năng lực điều hành thị trường và các tổ chức tài chính, cũng như thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng. Thực tế cho thấy, hệ thống ngân hàng Việt - “huyết mạch” của nền kinh tế sẽ đối mặt không ít áp lực đến từ các quốc gia thành viên trong CPTPP.
Gọi tên các áp lực đối với hệ thống ngân hàng Việt, ông sẽ nói gì?
Thứ nhất, điều chắc chắn đó là sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng ngày càng gay gắt. Các NHTM trong nước phải đối mặt với xu hướng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng Việt. Đặc biệt, sự tham gia mạnh mẽ đến từ các quốc gia phát triển trong nhóm CPTPP như Nhật Bản, Úc, Singapore… sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Thêm vào đó, các điều khoản về dịch vụ tài chính trong CPTPP cho phép các ngân hàng của các nước thành viên được cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng xuyên biên giới, nghĩa là ngân hàng tại Úc có thể cung cấp dịch vụ cho người dân Việt Nam mà không cần có chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam.
Với việc không ngừng ứng dụng các công nghệ hiện đại, mang lại trải nghiệm tốt đến khách hàng, cùng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, các ngân hàng nước ngoài sẽ cạnh tranh trực tiếp với NHTM trong nước. Đặc biệt, đó là nhóm khách hàng VIP - sẵn sàng chi trả để hưởng dịch vụ đẳng cấp là một nguy cơ ngay trước mắt của các NHTM Việt.
Thứ hai là nguồn nhân lực. Thực tế, hệ thống ngân hàng Việt đang thiếu nhân viên chất lượng cao cho dù hàng năm có tới hàng chục nghìn sinh viên ngành tài chính - ngân hàng tốt nghiệp. Đối mặt với áp lực nâng cao chất lượng nhân viên, song song với việc “đãi cát tìm vàng”, các ngân hàng phải liên tục đào tạo nhân sự nhưng nhân sự vừa mới bắt đầu “cứng” lại sẵn sàng dịch chuyển sang các tổ chức, ngân hàng nước ngoài, để thêm cơ hội phát triển khả năng và nguồn thu nhập tốt hơn…
Thứ ba, năng lực và quy mô của ngành ngân hàng Việt Nam còn khá thấp. Mặc dù các ngân hàng Việt đã tăng trưởng vượt bậc về quy mô, mức độ an toàn vốn trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và các nước là thành viên của CPTPP. Việt Nam vẫn chưa có tên trên “bản đồ” 100 ngân hàng đứng đầu thế giới.
Thứ tư, nguy cơ bị chi phối. Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD trong nước không được vượt quá 30%.
Với thế mạnh về tài chính, công nghệ và nhân lực, các NHTM nước ngoài thường xâm nhập và phát triển thị trường mới bằng cách mua cổ phần của các NHTM Việt Nam và trở thành cổ đông chiến lược, tìm cách thâu tóm rồi thôn tính các ngân hàng này hoặc thực hiện các thương vụ M&A ngân hàng.
Thứ năm, nâng cao chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Việt Nam là một trong số ít quốc gia chưa áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho việc lập và trình bày báo cáo. Trong khi chuẩn mực này sắp tới có thể được áp dụng theo hình thức tự nguyện, sau đó tiến tới bắt buộc với một số đối tượng từ sau năm 2025. Hay “gần” hơn với hệ thống ngân hàng đó là trong khi ngân hàng một số nước đã lên chuẩn mực thứ ba của Basel thì Việt Nam mới có 7 ngân hàng được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II.
Những vấn đề cơ bản của hệ thống ngân hàng Việt hiện đang không dễ để khắc phục…
Nhưng nếu không bước đi từ bây giờ chúng ta sẽ không đến đích. Quan điểm của tôi là có áp lực sẽ tạo ra động lực để thay đổi. Ví dụ, để đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp ước Basel II với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, các ngân hàng sẽ phải hoạch định lại hoạt động kinh doanh và các chiến lược kinh doanh một cách tích cực hơn.
Với Basel II, các công cụ và phương pháp quản lý rủi ro tiên tiến được triển khai đảm bảo cho những ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro tốt giảm thiểu chi phí, tập trung phát triển các mảng nghiệp vụ kinh doanh mới và hiệu quả hơn trong các quyết định phân bổ nguồn vốn kinh doanh.
Hơn nữa, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển. Hay nói cách khác, với CPTPP chính các ngân hàng Việt sẽ tự mình thâm nhập các thị trường phát triển và thu hút các luồng vốn đầu tư quốc tế tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh.
Theo đó, niềm tin của người Việt vào các ngân hàng Việt được nâng lên khi các ngân hàng hoạt động chuẩn mực, chuyên nghiệp, sản phẩm phong phú và thấu hiểu, tôn trọng khách hàng… Có lẽ nào Việt Nam có ngân hàng chuẩn mực quốc tế mà người Việt Nam lại không sử dụng dịch vụ? Và khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” không còn cần trong trường hợp này. Thậm chí, đó còn là cơ hội tiếp cận, được phục vụ một lượng khách hàng tiềm năng lớn, đa dạng tại các nước thành viên CPTPP. Tại sao không?
Ông có gợi ý gì để các TCTD Việt vượt qua những áp lực trên?
Tận dụng những thế mạnh sẵn có như niềm tin của người dân Việt vào hệ thống ngân hàng Việt (dù vẫn còn những vấn đề nhất định) để ứng phó với sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng trở nên gay gắt.
Để song hành với việc mở rộng thị trường, cần chuẩn bị kỹ các phương án nhằm thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời, hợp tác với các định chế trong CPTPP học hỏi kinh nghiệm hoạt động, kinh doanh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong thời đại 4.0, đầu tư phát triển FinTech của riêng mình hoặc bắt tay với các công ty FinTech. Đây là một xu thế tất yếu của thời đại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận