24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Như Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng vẫn triển vọng sáng sủa, cổ phiếu vua có trở lại đường đua?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang trải qua những tuần giao dịch ảm đạm. Song theo giới phân tích, cổ phiếu vua sẽ sớm quay lại, tập trung ở những ngân hàng có câu chuyện riêng.

Nợ xấu khó tăng vọt, lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm vẫn là điểm sáng

Từng dẫn đầu làn sóng tăng giá nửa đầu năm, cổ phiếu vua lại đang có những phiên giao dịch ảm đạm, giá sụt giảm mạnh những tuần gần đây.

Có 3 lý do chính khiến cổ phiếu ngân hàng lao dốc. Thứ nhất, lo ngại lợi nhuận giảm tốc 2 quý cuối năm do các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay. Thứ hai, nguy cơ nợ xấu tăng vọt do Covid 19 diễn ra phức tạp, Thông tư 03/2021/TT-NHNN lại chỉ cho phép ngân hàng cơ cấu nợ đến hết 31/12/2021. Thứ ba, hàng tỷ cổ phiếu chia cổ tức của các ngân hàng dội sàn chứng khoán trong quý 3/2021.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, cổ phiếu vua sẽ dần lấy lại vị thế bởi ngân hàng vẫn là một trong những ngành có triển vọng lợi nhuận sáng sủa nhất 6 tháng cuối năm.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) cho rằng, tác động của việc giảm lãi suất cho vay đối với các ngân hàng là có thể kiểm soát được do NHNN không can thiệp vào việc kinh doanh của từng ngân hàng. Dù lãi suất cho vay giảm, MBKE cho rằng, NIM của ngân hàng năm 2021 sẽ vẫn không thấp hơn 2020 do chi phí huy động vốn được cắt giảm. Bên cạnh đó, sẽ không có các cú sốc về trích lập dự phòng 2 quý tới, do vẫn được hưởng lợi nhờ chính sách cơ cấu nợ và bộ đệm dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng đã được nâng cao. Trong ba kịch bản mà MBKE đưa ra, kịch bán kém lạc quan nhất, lợi nhuận ngân hàng năm nay vẫn tăng 25%, còn trong kịch bản tích cực, lợi nhuận ngân hàng năm nay có thể tăng 37%.

Về nỗi lo nợ xấu tăng vọt, theo thông tin của Báo Đầu tư, NHNN đang chạy nước rút sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN) theo hướng kéo dài thời hạn cơ cấu nợ thêm 6 tháng, mở rộng phạm vi và điều kiện cơ cấu nợ. Nhiều khả năng, Thông tư sửa đổi này sẽ được ban hành trong tháng 9/2021. Thông tư này ra đời sẽ khiến nợ xấu ngân hàng không bị tăng đột ngột, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi.

Việc tín dụng tăng chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh dự báo cũng không tác động quá lớn đến lợi nhuận ngân hàng, bằng chứng là tới thời điểm này, chưa có ngân hàng nào điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho hay, so với các ngành khác, ngân hàng là ngành thích ứng khá nhanh với điều kiện dịch bệnh, do đẩy mạnh chuyển đổi số, bán hàng và tiếp cận khách hàng trên kênh số hóa, giảm mạnh chi phí nhờ số hóa.

Ngoài ra, từ đầu năm 2021, lường trước NHNN sẽ cấp room tín dụng thấp nên các ngân hàng cũng không quá trông chờ vào mở rộng room tín dụng mà tập trung vào hạ chi phí vốn, giảm chi phí hoạt động để cải thiện NIM. Chính vì vậy, dù tín dụng 6 tháng cuối năm chậm lại cũng không ảnh hưởng quá lớn đến kết quả kinh doanh của cả năm.

So với khối ngân hàng TMCP tư nhân, khối ngân hàng thương mại quốc doanh chịu ảnh hưởng nặng hơn về việc giảm lãi suất cho vay. Ước tính năm nay, các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank sẽ giảm 6-7 nghìn tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ cho khách hàng.

Tuy nhiên, điểm tích cực là các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang rất nhanh nhạy trong đẩy mạnh kênh bán hàng số hóa, chuyển đổi danh mục cho vay sang các ngành nghề ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đẩy mạnh phân khúc khách hàng có khả năng sinh lời cao.

Đại diện VietinBank cho hay, ngân hàng này đang tập trung dịch chuyển sang các các lĩnh vực, ngành nghề có khả năng chống chịu trước tác động của dịch bệnh (y tế, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dệt may, logistics...), doanh nghiệp xuất khẩu… Về phân khúc khách hàng, tốc độ tăng trưởng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME của VietinBank cũng lên tới 19-21%, tăng mạnh hơn nhiều phân khúc khác. Được biết, hai phân khúc này đang chiếm 56,6% tổng tín dụng của VietinBank và cũng là phân khúc khách hàng mang lại lợi suất cao hơn nhiều so với lĩnh vực khác.

Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VDSC cũng nhận định, dù lãi vay giảm, NIM của một số ngân hàng vẫn có thể tăng nửa cuối năm, nếu tăng được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tuy nhiên, trong trường hợp NIM sút giảm, lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn được hỗ trợ nhờ thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh, đặc biệt từ mảng bancassurance, kinh doanh trái phiếu và thanh toán và giảm chi phí hoạt động.

Cổ phiếu những ngân hàng có “câu chuyện riêng” sẽ sớm quay lại

Với triển vọng sáng sủa nửa cuối năm nay, giới phân tích cho rằng, cổ phiếu vua – vốn chiếm gần 30% giá trị giao dịch toàn thị trường – vẫn là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư không thể bỏ qua nửa cuối năm, dù khó tăng giá mạnh như nửa đầu năm.

Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích và Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, những tháng cuối năm, cổ phiếu ngân hàng khó tăng giá đồng loạt như nửa đầu năm. Tuy nhiên, cổ phiếu của những ngân hàng có “câu chuyện riêng” và có định giá hợp lý vẫn sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng.

Ví dụ tiêu biểu là cổ phiếu CTG của VietinBank đang đi xuống, song theo các chuyên gia, nhà đầu tư không nên nhìn vào kết quả lợi nhuận của một quý để đánh giá tiềm năng, triển vọng của một cổ phiếu ngân hàng. Thực tế, dù lợi nhuận quý 2/2021 của VietinBank không như kỳ vọng (do trích lập dự phòng rủi ro cao gấp 3 cùng kỳ năm ngoái), song theo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt, đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy bộ đệm thanh khoản của VietinBank đã được gia cố, làm giảm áp lực trích lập dự phòng các quý sau.

Tương tự, SSI cũng cho rằng, triển vọng lợi nhuận của VietinBank vẫn rất sáng sủa nhờ đẩy mạnh phân khúc bán lẻ có lợi suất cao. Ngân hàng cũng sắp ghi nhận nguồn lợi nhuận lớn từ phí bancassurance (hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife), thoái vốn tại Công ty cho thuê tài chính, Công ty chứng khoán và Công ty quản lý quỹ. Ngoài ra, việc vừa tăng vốn thành công giúp VietinBank cải thiện hệ số an toàn vốn, mở rộng dư địa tăng trưởng.

Bên cạnh khuyến nghị lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có “câu chuyện riêng”, các chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với một số cổ phiếu ngân hàng nhỏ đang bị định giá quá cao.

Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng 4 tháng cuối năm là room tín dụng. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, tổ chức, dịch bệnh sẽ được kiểm soát cơ bản trong tháng 9/2021, khi đó, tín dụng quý IV/2021 sẽ như lò xo bật dậy, các ngân hàng sẽ bù đắp được mọi “mất mát” trong quý III/2021.

Nhiều khả năng, tới đây, NHNN sẽ có một đợt cấp room tín dụng nữa. Các ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua như VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank và một số ngân hàng TMCP tư nhân top đầu… được dự đoán sẽ được NHNN ưu ái trong cấp room tín dụng.

"Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý III/2021, chúng tôi tin rằng các ngân hàng này sẽ có thể giải phóng nguồn vốn và chắc chắn rằng sẽ cho thấy lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021 và năm 2022", các chuyên gia của MBKE dự báo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả