Ngân hàng vẫn “loay hoay” với tiêu chuẩn xanh
“Định nghĩa thế nào là xanh” là băn khoăn chung của các ngân hàng đang khó nhất lúc này. Thiếu định nghĩa xanh, các ngân hàng gặp khó trong việc áp dụng cho vay các dự án xanh.
Làm thế nào hứng dòng vốn xanh quốc tế?
Nói một cách đơn giản về tín dụng xanh, ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết: “Ví dụ nếu cho một doanh nghiệp chăn nuôi vay, các ngân hàng phải trả lời được câu hỏi “Trên 1kg thịt sản xuất ra sẽ tạo bao nhiêu phát thải? Tiêu dùng bao nhiêu năng lượng, nước sạch? Khi dành vốn xanh đầu tư cho doanh nghiệp chăn nuôi này sau 1-2 năm thì các yếu tố trên có giảm xuống không?” Nếu các chỉ số trên có giảm xuống thì các tổ chức quốc tế sẵn sàng giảm một phần lãi suất để bù đắp”.
Theo các chuyên gia, tài chính xanh đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ cần đảm bảo khung khổ pháp lý cần thiết. Đồng thời, các ngân hàng cần phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, phối hợp với các định chế quốc tế.
Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỉ USD, từ nay đến năm 2040. Trong bối cảnh đó, các giải pháp tài chính cho cơ sở hạ tầng xanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp chủ yếu xuất phát từ ngân hàng và thị trường vốn.
Quá trình chuyển đổi này đối mặt với tình trạng thiếu hụt về nguồn vốn dài hạn. Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC ước tính, cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam sẽ lên tới 757 tỉ USD vào năm 2030.
Hiện nay không ít ngân hàng chưa biết làm thế nào để vận hành cơ chế tài chính xanh, đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục làm dự án xanh. Giới chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn cho các tổ chức tín dụng để triển khai.
Bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch cho biết: “VPBank đang có nhiều cơ hội để huy động các dòng vốn quốc tế cho các dự án xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, do các quy định hành lang pháp lý đối với tín dụng xanh vẫn còn thiếu và đối tượng khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi triển khai cho vay các dự án xanh”.
Thách thức lớn
“Thị trường tài chính xanh Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhanh và có thể tiếp cận hàng tỉ USD tín dụng xanh từ quốc tế. Nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của Việt Nam là rất lớn”, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trao đổi với phóng viên.
Ông Thomas James Jacobs - Giám đốc quốc gia khu vực Mekong IFC Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, có rất nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với ngành ngân hàng trong lĩnh vực này.
Đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng trong nước có thể tăng cường và phát triển những lớp tài sản mới, thúc đẩy cho sự tăng trưởng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, đây cũng là rủi ro mà các ngân hàng gặp phải. Cần có những tiêu chuẩn về môi trường xã hội và quản trị một cách hiệu quả. Những khung khổ như vậy sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển các sản phẩm mới như trái phiếu xanh, trái phiếu xanh lam, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu liên kết bền vững… hay những công cụ khác nữa để có thể hỗ trợ cho quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam.
“Cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh. Thêm vào đó, cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng”, các chuyên gia của BIDV nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận