24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Ngọc Báu Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng TW của các ngân hàng TW

Đồng Euro ra đời và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã làm nhiều người nghi ngờ vị thế thống lĩnh của đồng USD.

Tuy nhiên với những gì đang diễn ra hiện tại, chúng ta lại thấy điều ngược lại. Nền kinh tế thế giới đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đồng tiền này và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã và đang thể hiện mình không chỉ là ngân hàng trung ương của riêng người Mỹ.

Quay trở lại thời điểm tháng 3 vừa qua, sự bùng nổ của Covid đã làm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo khi giới đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi các tài sản rủi ro và tìm nơi trú ẩn. Trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng trong ngắn hạn nguồn cung của trái phiếu bị thiếu hụt nên đồng USD lúc này cũng trở thành tài sản được săn đón.

Mặt khác, đồng tiền này đang chiếm tới 70% các giao dịch thương mại thế giới, 90% giao dịch ngoại tệ toàn cầu, hơn 60% tổng dự trữ ngoại tệ mà NHTW của các nước trên thế giới nắm giữ và đây cũng là đồng tiền tiêu chuẩn trên thị trường năng lượng toàn cầu, thứ thiết lập lên đế chế Petrodollars hùng mạnh.

Khi kinh tế thế giới xuất hiện vấn đề, hoạt động thương mại và thị trường tài chính toàn cầu sẽ sớm đối mặt căng thẳng, lúc này đồng USD sẽ ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý bởi tất cả hoạt động thương mại và tài chính của một quốc gia sẽ ngưng trệ nếu quốc gia đó không còn đủ USD để can thiệp và xoa dịu cơn khát.

Một vấn đề nữa đang ngày càng quan trọng đối với vị trí ngôi vương của USD chính là hoạt động tín dụng quốc tế, hoạt động vẫn đang được coi là một trong những ngòi nổ lớn nhất cho cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp theo.

Dữ liệu thống kê chỉ ra rằng tín dụng cấp bằng đồng USD cho các tổ chức phi ngân hàng ngoài Hoa Kỳ đã tăng từ 9% GDP toàn cầu năm 2007 lên 14% vào năm 2018 và xu hướng này chưa dừng lại [HÌNH 1]. Trong khi đó tín dụng quốc tế có mệnh giá bằng Euro và Yên Nhật đang dần được thay thế bằng đồng USD.

Ngân hàng TW của các ngân hàng TW
Hình 1

Viễn cảnh này nói lên điều gì? Một thị trường tài chính toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc hơn vào đồng USD? Và điều gì sẽ xảy ra nếu sự cẳng thẳng xuất hiện trên thị trường tài chính? Ai sẽ là người đứng ra xử lý mớ hỗn độn này?

Câu trả lời chính là FED - Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, đơn vị đang in USD cho cả thế giới và ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò “Ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương”.

Sở dĩ chức năng quan trọng nhất của một ngân hàng trung ương không phải là kiểm soát cung tiền, ổn định tỷ giá hay in tiền. Mà đó là vài trò người cho vay cuối cùng (Lender Of Last Resort) khi hệ thống gặp áp lực. Vậy Fed đã thực hiện chức năng đó như thế nào đối với các ngân hàng trung ương toàn cầu?

Một cuộc khủng hoảng sẽ có nhiều nguyên nhân cốt lõi nhưng viễn cảnh chung khi xảy ra sẽ luôn khởi đầu bằng sự suy kiệt thanh khoản và rút vốn ồ ạt. Các ngân hàng trung ương bắt buộc phải can thiệp bằng cách bơm thanh khoản ra hệ thống.

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ thanh khoản này không những đáp ứng bằng nội tệ mà còn phải bằng cả USD. Nếu như chính bản thân ngân hàng trung ương lúc này không còn đủ USD để can thiệp ngay lập tức vào thị trường thì hậu quả tất yếu sẽ là sự đổ vỡ dây truyền.

Thực tệ thì lượng USD mà các ngân hàng trung ương nắm giữ thường tương đối nhỏ so với quy mô nền kinh tế và thị trường tài chính của quốc gia đó. Chính vì thế khi thanh khoản USD gặp vấn đề không quá nghiêm trọng các ngân hàng trung ương hoàn toàn có thể tự xử lý, nhưng nếu vấn đề là quá lớn vượt ngoài tầm kiểm soát, họ sẽ phải tìm đến “người cho vay cuối cùng” là cục dữ trữ liên bang Mỹ - FED.

Trong những giai đoạn khủng hoảng, chẳng hạn như 2007-2008 và 2011-2012, FED đã phải mở rộng kênh Swap lines với các Ngân hàng trung ương lớn, số dư có lúc lên tới gần 600 tỷ USD. Những thỏa thuận này đã làm giảm căng thẳng trên thị trường và làm giảm đáng kể tình trạng thiếu USD trên toàn cầu.

Năm 2020, trước sự tấn công dồn dập của Covid, ngân hàng trung ương các quốc gia lớn lại một lần phải tìm đến “cửa sổ” Swap lines của Fed. Số dư hiện tại đã lên tới gần 400 tỷ USD, đây là cơ sở thanh khoản (Liquidity Facilities) đầu tiên và lớn nhất mà Fed sử dụng để đối phó với Covid tính đến thời điểm hiện tại [HÌNH 2].

Ngân hàng TW của các ngân hàng TW
Hình 2

Vấn đề đối với Swap lines là chỉ những ngân hàng trung ương lớn nằm trong danh sách “thân Mỹ” mới được tiếp cận với “cửa sổ” này. Vậy một câu hỏi đặt ra đối với các quốc gia không có Swap lines với FED (như Trung Quốc, Việt Nam,…) thì khi nguồn USD dự trữ không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước họ phải làm gì?

Để giải bài toán này thì từ 06/04/2020 FED đã cho ra đời một công cụ mới mang tên FIMA Repo. Với công cụ này FED sẵn dàng cung cấp thanh khoản cho những quốc gia cần sự trợ giúp nếu họ đáp ứng hai tiêu chí: Có nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ và có tài khoản mở tại FED. Vậy FIMA Repo hoạt động thế nào?

“Cửa sổ” này cho phép các ngân hàng trung ương và các cơ quan tiền tệ quốc tế khác có tài khoản tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, ký kết các thỏa thuận mua lại với FED. Trong các giao dịch này, chủ tài khoản FIMA tạm thời trao đổi các chứng khoán kho bạc Hoa Kỳ của họ với FED để đổi lấy đô la Mỹ và chịu một mức lãi suất nhất định. Hết thời hạn, số trái phiếu được hoàn trả lại cho các ngân hàng trung ương.

Không khó để nhận ra nguyên lý hoạt động của công cụ này giống hệt Cửa sổ chiết khấu (Discount window) mà ngân hàng trung ương cung cấp cho các ngân hàng thương mại khi gặp tình trạng căng thẳng thanh khoản tạm thời. Một công cụ đã quá quen thuộc với hoạt động ngân hàng trong và ngoài nước.

Sự ra đời của FIMA Repo đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của FED đối với không chỉ các ngân hàng thương mại mà với cả các ngân hàng trung ương toàn cầu. Chúng ta đang chứng kiến một thế giới dù không hề muốn nhưng đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào USD và FED.

Và biết đâu đó trong tương lai, “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương” sẽ còn cho ra đời những công cụ cung cấp thanh khoản mới với quyền lực mạnh mẽ hơn nữa để “cấp cứu” những thành viên của mình khi họ cần trợ giúp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Trần Ngọc Báu Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả