Ngân hàng TƯ Trung Quốc cố gắng nâng đỡ nhân dân tệ?
Theo các nhà phân tích, với việc liên tục ấn định tỷ giá tham chiếu giữa nhân dân tệ so với USD cao hơn so với thực tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang phát đi tín hiệu không muốn đồng nhân dân tệ giảm giá quá nhanh.
Rớt thảm
Đồng nhân dân tệ tiếp tục lao dốc, hiện đã rơi xuống thấp nhất trong hơn 11 năm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày một nóng hơn sau khi hai bên tiếp tục “nã” thuế vào nhau.
Theo đó tỷ giá tham chiếu giữa nhân dân tệ so với USD hôm 27/8 đã được PBoC giảm tới 0,34% so với phiên hôm trước xuống còn 7,081 CNY/USD. Tuy nhiên, theo ước tính của Reuters, nó vẫn mạnh hơn rất nhiều so với mức 7,1055 CNY/USD mà thị trường kỳ vọng.
Bằng cách thiết lập tỷ giá tham chiếu mạnh hơn dự kiến, NHTW Trung Quốc có thể muốn báo hiệu cho các thị trường rằng họ muốn làm chậm tốc độ mất giá của đồng nội tệ, Tommy Xie – Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc Đại lục tại Ngân hàng OCBC của Singapore nói với CNBC.
“Mặc dù Trung Quốc đã cởi mở hơn đối với cơ chế tiền tệ của mình”, Xie nói qua email. Mặc dù Bắc Kinh đã trao cho thị trường “vai trò lớn hơn trong việc quyết định (về) tỷ giá tiền tệ, Trung Quốc vẫn theo dõi tốc độ biến động một cách cẩn trọng”, ông nói thêm.
Tính đến 12:41 ngày 27/8 (giờ Hồng Kông/Singapore), tỷ giá giao ngay của đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa, vốn được ấn định trong biên độ +/-2% so với tỷ giá tham chiếu, ở mức 7,1594 CNY/USD, giảm khoảng 4% so với cuối năm 2018. Trong khi tỷ giá giao ngay của đồng nhân dân tệ trên thị trường nước ngoài giao dịch ở mức 7,1728 CNY/USD.
Đồng nhân dân tệ đang là trọng tâm chú ý của giới chuyên môn cũng như các nhà đầu tư trong những tháng gần đây bởi vì nó được xem là một trong những công cụ mà Trung Quốc có thể sử dụng để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ.
Trong một thời gian dài trước đây, ngưỡng 7 CNY/USD được coi là “ranh giới đỏ” mang ý nghĩa quan trọng về mặt tâm lý mà nếu xuyên thủng ngưỡng giá này, nhân dân tệ có thể đối mặt với áp lực bán tháo.
Thế nhưng ngày 5/8 đồng nhân dân tệ đã vượt qua “ranh giới đỏ” lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc từ 1/9. Kể từ đó đến nay, đồng nhân dân tệ vẫn thường xuyên ở dưỡi ngưỡng 7 CNY/USD và có xu hướng ngày một yếu thêm. Việc nhân dân tệ xuyên thủng ngưỡng 7 CNY/USD đã khiến Trung Quốc bị Mỹ gắn cho cái mác “thao túng tiền tệ”.
Trên thực tế, ngay từ chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã không ít lần chỉ trích Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế xuất khẩu. Bởi về mặt lý thuyết nếu đồng tiền của một quốc gia yếu hơn sẽ khiến cho hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế, từ đó mang lại cho họ lợi thế thương mại so với các đối thủ cạnh tranh.
Tương lai nào cho nhân dân tệ?
Mặc dù vậy, hiện các nhà phân tích vẫn bị chia rẽ về triển vọng của đồng nhân dân tệ trong thời gian tới, cho dù họ đều nhất trí cho rằng nó phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang hay xuống thang.
Xie của OCBC nói với CNBC rằng đồng nhân dân tệ ở thị trường nội địa có thể giao dịch trong khoảng từ 7,1 – 7,2 CNY/USD trong thời gian tới nếu như không có cú sốc bên ngoài nào từ cuộc chiến thương mại.
Tuần trước, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ gia tăng sức nóng sau khi Trung Quốc công bố mức thuế mới đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ để trả đũa việc Mỹ dự kiến sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 1/9 và 15/12 tới.
Đáp lại những động thái của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ mức 25% như hiện nay lên 30% từ ngày 1/10 tới. Bên cạnh đó, mức thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc cũng sẽ được nâng lên là 15% thay vì 10%.
Các tính toán sơ bộ cho rằng nếu Mỹ tăng thuế lên 25% đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc, thì đồng nhân dân tệ tại thị trường nội địa sẽ có thể sẽ phải giảm xuống mức 7,88 CNY/USD để bù đắp tác động của thuế quan, nhóm chiến lược ngoại hối của National Australia Bank (NAB) cho biết. “Còn nếu Mỹ tăng thuế suất lên 30% như ông Trump đe dọa vào cuối tuần qua, để bù đắp tác động này, tỷ giá nhân dân tệ phải giảm xuống mức 8,19 CNY/USD”, các chuyên gia này cảnh báo.
Nhớ lại thời điểm năm 2005, khi đồng nhân dân tệ vẫn được neo cứng với đồng USD, tỷ giá cặp đồng tiền này vào khoảng 8,28 CNY/USD.
“Đây là những kịch bản rủi ro suy giảm mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng hiện tại của chúng tôi, chúng tôi lưu ý rằng khi bất ổn kinh tế gia tăng trên toàn cầu, các nhà đầu tư có thể bắt đầu suy nghĩ về một cuộc chiến tranh tiền tệ trong khu vực APAC (châu Á – Thái Bình Dương) và điều đó cũng sẽ hỗ trợ (cho đồng USD) trong ngắn hạn”, các chiến lược gia của NAB cho biết thêm.
Chưa hết, những dữ liệu kinh tế được công bố trong những tháng gần đây cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và điều đó cũng góp phần làm suy yếu thêm đồng nội tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết trong một ghi chú với khách hàng vào đầu tuần rằng họ hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ “thực hiện ít nhất một số bước cơ bản để giải quyết vấn đề này qua chính sách tiền tệ” - bao gồm cắt giảm khiêm tốn lãi suất cơ sở cho vay trung hạn và lãi suất thị trường mở, cũng như tín dụng và chính sách tài khóa.
Các nhà phân tích cho biết họ đã nâng dự báo triển vọng nhân dân tệ của mình lên 7,2 CNY/USD trong 3-6 tháng tới và 7,1 CNY/USD trong 12 tháng tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận