Ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn được sử dụng trong cho vay doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, nhiều khả năng cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai thêm các biện pháp kích thích tiền tệ
Theo đó, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) 1 năm được giữ ở mức 3,70%; trong khi LPR 5 năm vẫn ở mức 4,60%. Hiện hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa trên LPR 1 năm. Trong khi lãi suất LPR 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp. LPR được thiết lập hàng tháng bởi 18 ngân hàng, những ngân hàng gửi báo cáo về lãi suất cho vay của họ dựa trên lãi suất cơ sở cho vay trung hạn (MLF) cũng được PBoC giữ ổn định trước đó.
Theo đó, ngày 16/3 PBoC cũng đã quyết định giữ nguyên lãi suất MLF trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (31,44 tỷ USD) đối với một số tổ chức tài chính ở mức 2,85%. Động thái này được đưa ra ngay trước cuộc họp chính sách tháng 3 của Fed (cuộc họp mà Fed quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm). Các nhà phân tích thời điểm đó nhận định PBoC tránh điều chỉnh chính sách trước khi Fed đưa ra quyết định của mình.
Thế nhưng ngay tại thời điểm đó giới chuyên môn cũng nhận định, nhiều khả năng PBoC sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nay khi Fed đã quyết định tăng lãi suất, kéo theo đó là nhiều NHTW lớn khác như NHTW Anh, song hiện thị trường vẫn kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Trung Quốc sẽ sớm tiếp tục nới lỏng tiền tệ để vực dậy nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong nước, trong khi tăng trưởng tín dụng yếu hơn và lĩnh vực bất động sản suy giảm, nay lại chịu thêm áp lực khi rủi ro toàn cầu gia tăng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Win Thin - Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman cho biết, Trung Quốc sẽ cần nhiều biện pháp kích thích hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay. “Chúng tôi dự báo về một đợt cắt giảm lãi suất khác sẽ diễn ra vào đầu quý II”, ông nói trong một ghi chú.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuần trước đã thúc giục việc triển khai các chính sách thân thiện với thị trường để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại. Ý kiến của ông đã củng cố kỳ vọng của thị trường về việc nới lỏng tiền tệ trong những tháng tới và nhiều người kỳ vọng PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng và các lãi suất chính sách khác.
“Chưa có tiền lệ hạ LPR mà không có RRR hoặc cắt giảm lãi suất chính sách”, các nhà phân tích của Citi cho biết. Tuy nhiên một số nhà phân tích cảnh báo, việc giảm lãi suất có thể thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài khi các nền kinh tế lớn khác, bao gồm cả Mỹ, bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự phân hóa chính sách nới rộng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể làm giảm lợi thế lợi suất hiện tại của Trung Quốc so với Mỹ, khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào nơi khác.
Hiện chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc và trái phiếu kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn đã giảm xuống còn khoảng 65 điểm cơ bản, mức hẹp nhất trong 3 năm.
Trước đó PBoC hôm 20/1 đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm 10 điểm cơ bản từ 3,80% xuống 3,70%. LPR kỳ hạn 5 năm cũng được giảm 5 điểm cơ bản xuống 4,60% từ 4,65%. Chỉ cách đó ít ngày, hôm 17/1, PBoC cũng đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm từ 2,95% xuống còn 2,85%; lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày cũng được giảm từ 2,2% về còn 2,1%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, PBoC tiến hành cắt giảm lãi suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận