Ngân hàng trung ương toàn cầu đau đầu cứu nền kinh tế
Ngân hàng nhiều nước trên thế giới phải bơm tiền cứu nền kinh tế trong khi chưa hoàn thành việc hút tiền về sau các chương trình nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, lần này e rằng không gian chính sách không còn rộng rãi như khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới hơn 10 năm trước nữa.
Trong nhiều năm qua, Australia được coi là hiện tượng kinh tế trong các quốc gia phát triển. Tính tới hết quý II/2018, nước này đã có 106 quý tăng trưởng liên tiếp, tương đương 27 năm, là mức dài nhất trong lịch sử kinh tế hiện đại, vượt trên kỷ lục mà Hà Lan thiết lập trước đó với 103 quý. Tuy nhiên, từ quý III/2018, kinh tế Australia bắt đầu đi xuống, tới nay đã có 3 quý liên tiếp tăng trưởng suy giảm với đà giảm ngày càng mạnh. Hậu quả là vào ngày 4/6 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, Ngân hàng Dự trữ Australia (Ngân hàng Trung ương- RBA) đã quyết định cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,25%. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán RBA sẽ lại cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 8/2019, với mức giảm tiếp tục là 0,25 điểm phần trăm.
Đối với Mỹ - “đầu tàu” kinh tế thế giới, trong 3 năm qua, Cục Dữ trữ Liên bang (FED) đã 9 lần tăng lãi suất. Nhưng trước những diễn biến không khả quan của kinh tế Mỹ, FED không những có thể dừng tăng lãi suất mà còn xem xét thời điểm giảm lãi suất. Tín hiệu trên đã được một số quan chức cấp cao của Fed, trong đó có Chủ tịch FED Jerome Powell đưa ra. Thị trường bắt đầu kỳ vọng các nền kinh tế khác có đà hồi phục kém hơn sẽ đua nhau gia nhập hàng ngũ khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ mới, nhất là sau khi hàng loạt thể chế tài chính ngân hàng quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cơ bản về mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố gần đây, WB cho rằng nguyên nhân tăng trưởng kinh tế suy giảm là do tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính hồi năm 2009 và sự suy giảm trong hoạt động đầu tư trên thế giới. Theo kịch bản cơ sở của IMF đưa ra vào trung tuần tháng 4/2019, kinh tế toàn cầu có thể sẽ hồi phục trở lại trong năm 2020 (với dự báo tăng trưởng đạt mức 3,6%) nếu các mức thuế của Mỹ với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được giữ nguyên ở mức 10% và xu hướng nới lỏng tài chính hiện nay được tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra vì ngày 13/5 vừa qua, Mỹ bắt đầu áp thuế trừng phạt 25%, thay vì 10%, lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và còn đe dọa áp thuế trừng phạt đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cơ bản được dự báo sẽ diễn biến thành chiến tranh lâu dài, đồng thời có khả năng lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, tài chính tiền tệ, giáo dục… Nói cách khác, ảnh hưởng của nó với kinh tế các nước không phải ngày một ngày hai.
Đối với châu Âu, trước các mối đe dọa giảm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), kể từ tháng 6/2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã áp dụng chính sách lãi suất âm. Điều đó có nghĩa ECB không còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất. Nhưng điều đó không có nghĩa ECB thiếu công cụ chính sách khi triển vọng kinh tế của Eurozone chưa rõ ràng. Ngày 6/6, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở các mức thấp kỷ lục ít nhất là đến giữa năm 2020. Cụ thể, ECB sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, trong khi các công ty tài chính sẽ phải chịu mức lãi -0,4% cho các khoản tiền gửi tại ECB.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây đã phát đi tín hiệu có thể tiếp tục nới lỏng định lượng. Nhưng điều khiến dư luận lo ngại là so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không gian cho việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã hẹp đi rất nhiều. Hơn nữa, việc tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ có thể cũng không mang lại hiệu quả lớn.
Theo chuyên gia phân tích thuộc Bank of America, Merrill Lynch, kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào năm 2008 tới nay, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã giảm lãi suất tổng cộng hơn 700 lần, mua vào lượng tài sản trị giá 12.000 tỷ USD và giải phóng ra thị trường một lượng tiền tương đương. Chỉ số theo dõi chính sách tiền tệ các nước của Hiệp hội Quan hệ ngoại giao Mỹ cho thấy chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương toàn cầu đang nới lỏng nhất kể từ năm 2014 và điều đó đồng nghĩa với việc tiền cũ chưa hút về hết, tiền mới đã chực chờ bơm ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận