Ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao tại đảo quốc sương mù. BOE cản
Bất ngờ tăng lãi suất
Cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2021 của BOE đã kết thúc hôm 16/12 với việc 8/9 thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) bỏ phiếu nhất trí tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25%. Tuy nhiên cả 9 thành viên của MPC đều bỏ phiếu đồng thuận giữ nguyên chương trình mua trái phiếu chính phủ của BOE ở quy mô mục tiêu là 875 tỷ bảng Anh (1,16 nghìn tỷ USD).
Như vậy BOE là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới thực hiện tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trước đó một ngày, hôm 14/12 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tuyên bố sẽ tăng tốc độ thu hẹp để tiến tới chấm dứt sớm hơn chương trình mua trái phiếu của mình. Đặc biệt Fed cũng phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất ba lần vào năm 2022. ECB hôm 16/12 cũng đã cắt giảm kích thích hơn nữa, nhưng hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế của khu vực đồng euro vào năm 2022.
Động thái này của BOE đã khiến thị trường bất ngờ. Trước đó, hầu hết các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters đã kỳ vọng, BOE sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 0,1% do biến thể Omicron đã khiến số ca lây nhiễm mới Covid-19 tại Anh tăng lên mức cao kỷ lục trong ngày 15/12. Trước đó BOE cũng đã từng khiến thị trường bất ngờ khi quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 11 với lý do, để có thêm thời gian xem xét mức độ ảnh hưởng đến thị trường lao động khi chương trình trợ cấp đặc biệt cho người lao động (furlough) kết thúc.
Sau quyết định tăng lãi suất của BOE, đồng bảng Anh tăng gần một cent so với đồng USD lên mức cao nhất kể từ ngày 30/11 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm - vốn rất nhạy cảm với lãi suất - đã tăng 9 điểm cơ bản trong ngày lên 0,58%, cao nhất kể từ ngày 1/12.
Lo lạm phát hơn dịch bệnh
Thống đốc BOE Andrew Bailey cho biết, mặc dù biến thể Omicron đã gây tổn hại cho các nhà bán lẻ và nhà hàng, nhưng cơ quan này nhận thấy cần phải ngăn chặn đà tăng giá mà gần đây trở thành một vấn đề dài hạn.
“Chúng tôi lo ngại về lạm phát trong trung hạn. Chúng ta đang thấy những thứ có thể đe dọa điều đó. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi phải hành động”, Thống đốc Andrew Bailey cho biết và nói thêm rằng: Không rõ liệu Omicron sẽ giảm bớt hay gây thêm áp lực lạm phát và đó là một yếu tố rất quan trọng đối với chúng tôi.
BOE cũng chỉ ra khả năng “thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức khiêm tốn” hơn trong giai đoạn dự báo kéo dài 3 năm mặc dù lạm phát có thể yếu hơn hoặc mạnh hơn dự kiến. Hiện các nhà đầu tư đang đặt cược là BOE sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên 0,5% vào tháng Ba và 1% vào tháng Chín năm tới.
Kế hoạch trên được đưa ra ngay cả khi cơ quan này cắt giảm dự báo tăng trưởng của tháng cuối năm nay và quý đầu tiên của năm 2022 vì biến thể Omicron có thể dẫn đến “một số lượng rất cao các ca lây nhiễm trong một thời gian rất ngắn”.
Một cuộc khảo sát với các nhà quản lý mua hàng trước đó đã cho thấy một tác động đối với các công ty du lịch và khách sạn trong tháng này, đưa tăng trưởng khu vực tư nhân xuống mức thấp nhất trong 10 tháng.
Nhưng BOE cũng cho biết kinh tế Anh và kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng “khác biệt về mặt vật chất” so với thời điểm bắt đầu đại dịch, trong khi lạm phát hiện đang tăng cao. Vì vậy BOE tập trung nhiều hơn vào “rủi ro tăng” xung quanh xu hướng trả lương và cho biết không có dấu hiệu thất nghiệp tăng vọt sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ việc làm của chính phủ vào ngày 30/9. Theo đó, BOE dự kiến tỷ lệ thất nghiệp của Anh sẽ giảm xuống khoảng 4% vào cuối năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 4,5% được đưa ra vào tháng trước. Tỷ lệ này ở mức 4,2% trong 3 tháng tính đến tháng 10.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận