Ngân hàng trung ương châu Âu chốt thời điểm tăng lãi suất sau 11 năm
ECB xác nhận sẽ tăng lãi suất trong tháng 7 tới.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) không tăng lãi suất trong phiên họp ngày 6/9 nhưng xác nhận kế hoạch tăng lãi suất trong tháng tới nhằm kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng này thông báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong tháng 7, lần tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ, và phát đi tín hiệu về một đợt tăng lãi suất cao hơn có thể được thực hiện trong tháng 9 “nếu triển vọng lạm phát trung hạn diễn biến xấu”.
“Lạm phát được dự báo sẽ cao hơn mức mục tiêu của chúng ta trong một thời gian nữa”, bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, chia sẻ trong một cuộc họp báo.
Cũng trong phiên họp ngày hôm qua, ECB nâng dự báo lạm phát hàng năm của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) lên 6,8% trong năm nay, và nhận định lạm phát sẽ duy trì cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% cho tới năm 2024. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng của khối. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của eurozone được dự báo tăng 2,8% trong năm 2022 và 2,1% trong năm 2023.
Trong tháng 5, lạm phát khu vực eurozone tăng cao lên ngưỡng kỷ lục 8,1%, theo Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat.
Cuộc xung đột Ukraine như đổ thêm dầu vào lửa lạm phát khiến nó bùng lên trên quy mô toàn cầu, đồng thời gia tăng áp lực buộc Liên minh châu Âu (EU) phải nhanh chóng tìm nguồn cung cấp dầu và khí đốt thay thế Nga.
Bà Lagarde cho biết giá năng lượng hiện cao hơn 40% so với tháng 5/2021, và sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong ngắn hạn.
“Nếu như căng thẳng leo thang, triển vọng kinh tế cũng sẽ xấu dần, các vấn đề liên quan tới nguồn cung sẽ diễn biến trầm trọng hơn và chi phí lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao hơn so với dự báo”, bà nói.
ECB hiện đang “chậm chân” hơn các cơ quan đồng cấp tại Anh và Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát. Ngân hàng trung ương Anh và Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã nhiều lần tăng lãi suất trong vài tháng trở gần đây. Nhưng nhiệm vụ của ECB được đánh giá khó khăn hơn vì châu Âu phải gánh chịu những hậu quả kinh tế trực tiếp từ cuộc xung đột.
Cơ quan này đang nỗ lực tạo ra sự cân bằng giữa một bên là kế hoạch tăng lãi suất để kéo giảm giá cả và một bên là mức độ tăng lãi suất đủ lớn để không kéo nền kinh tế khu vực vào suy thoái.
Bill Papadakis, Chiến lược gia kinh tế vĩ mô tại Bank Lombard Odier, chia sẻ với CNN Business rằng quyết định tăng lãi suất và kết thúc chương trình thu mua trái phiếu của ECB từ ngày 1/7 tới là “nước cờ chính xác”.
Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất cao hơn trong tháng 9 có thể là một sai lầm, ông nói.
“Phần lớn chi phí năng lượng đã ăn vào thu nhập thực tế của người tiêu dùng, và thu nhập của người dân càng giảm sâu nếu như ECB quyết liệt siết chính sách tiền tệ”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những lý do để chúng ta duy trì quan điểm lạc quan. Tỷ lệ người lao động có việc làm cao cao và quá trình mở cửa của nhiều lĩnh vực kinh tế sau đại dịch chính là những yếu tố giúp thúc đẩy tiêu dùng, bà Lagarde, nhận định.
“Nền kinh tế có đủ các điều kiện cần thiết để tiếp tục tăng trưởng và hồi phục mạnh mẽ trong trung hạn”, bà nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận