24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng tìm thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế

Sau giãn cách, người dân và doanh nghiệp đang từng bước phục hồi lại sản xuất kinh doanh. Để tăng sức hỗ trợ cho hoạt động kinh tế, các ngân hàng đang nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn lực để đồng hành cùng khách hàng.

Phục hồi sẽ khó nếu hỗ trợ không đủ

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, 9 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, nhiều địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, sự suy giảm tăng trưởng là điều không thể tránh khỏi.

GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước - mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, kết quả là GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê.

Sau khi dịch bệnh được khống chế, nhiều địa phương từng bước dỡ bỏ các hạn chế, hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, vấn đề đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ hơn khi sức khỏe đã suy giảm mạnh.

"Các giải pháp hỗ trợ phải mạnh hơn nữa để doanh nghiệp có thể phục hồi mạnh mẽ chứ không phải lom khom hồi phục", PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định này, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh (Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng với mức độ tổn thất nghiêm trọng, cả cung và cầu tại thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp. Có những doanh nghiệp khi phục hồi sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Do đó, mức hỗ trợ cần phải gia tăng mới đủ khả năng để họ hồi phục.

Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng cũng đang cùng các bộ, ngành khác gấp rút tìm thêm nguồn lực để triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là trong quý IV/2021.

Tại buổi họp báo diễn ra vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã khẳng định, nhiệm vụ đảm bảo an toàn hệ thống, thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp là hai nhiệm vụ song hành, quan trọng như nhau trong thời gian tới.

Bởi, trong quý IV/2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp sẽ trở lại ổn định, duy trì sản xuất và phục hồi. Dòng tiền sẽ luân chuyển nhịp nhàng hơn. Nhu cầu vốn tăng trở lại đòi hỏi các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp, bắt kịp cơ hội cho phục hồi sản xuất, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

Tìm thêm nguồn lực hỗ trợ

Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng có thể sẽ được ngành Ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, với lãi suất dự kiến 3 - 4%/năm.

Ngoài ra, NHNN cho biết sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng khi nền kinh tế cần. Hiện, một số ngân hàng đã được cấp thêm hạn mức tín dụng đợt 2 trong năm nay, như: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) được cấp thêm 17,1%, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) 17,4%... Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã xin nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên hơn 25%.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, động lực để ngành Ngân hàng gia tăng các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trong quý IV/2021 đến từ hiệu quả hoạt động tích cực trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.

Theo đó, để phục hồi hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau dịch, không ít doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng từ trước. Nhu cầu này đã được ngân hàng nỗ lực đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đã đạt được kết quả tích cực so với dự báo trước đó. Đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 5,48%).

Không chỉ tăng đáp ứng nhu cầu vốn, các ngân hàng cũng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và các chính sách hỗ trợ khác. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Từ sau khi có cam kết giảm lãi suất đến nay, 16 ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với số tiền là 11.800 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, muốn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thì bản thân các nhà băng cũng tìm ra hướng phát triển cho chính mình. Giới chuyên gia phân tích, tăng trưởng thu nhập ngoài lãi sẽ trở thành động lực chính để ngân hàng duy trì phát triển bền vững nhờ các xu hướng ổn định của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và thanh toán, dư địa tăng trưởng nhờ kinh doanh trái phiếu và tiềm năng thu hồi nợ xấu.

Trong đó, theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thu nhập mảng bancassurance sẽ tiếp tục duy trì tốt nhờ quá trình số hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tư vấn mua bảo hiểm; sự thay đổi hành vi khách hàng với xu hướng chuộng giao dịch trực tuyến đi kèm với phí giao dịch cạnh tranh là yếu tố hỗ trợ đối với thu nhập từ mảng dịch vụ. Tuy nhiên, thế mạnh và tăng trưởng mảng này phân hóa giữa các ngân hàng và đối tác.

Ngoài ra, việc cắt giảm chi phí cũng đã và sẽ là động lực giúp các ngân hàng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021. Nhóm nghiên cứu của VDSC chỉ ra rằng, việc cắt giảm lương có tác động tức thì đến tỷ lệ chi phí trên thu nhập, do đó giúp các ngân hàng đối phó với cú sốc ở NIM. Để tối ưu hóa tăng trưởng bảng cân đối với NIM thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn, quy mô nhân viên được cắt giảm sẽ đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhìn nhận, hỗ trợ nền kinh tế cuối năm chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng thì không thể giải quyết gốc vấn đề mà cần có giải pháp đồng bộ với sự trợ lực của các bộ, ngành khác. Theo đó, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục triển khai các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, giảm hoặc miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội cũng giúp sức cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
33.00 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả