24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hà My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng tiếp tục giảm phí hỗ trợ khách hàng

Cùng với rất nhiều các bộ, ngành, đơn vị, thì toàn ngành Ngân hàng thời gian qua đã rất quyết liệt trong triển khai và thực hiện các giải pháp để hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch, trong đó có việc miễn, giảm phí.

Đẩy mạnh giảm phí

1.004 tỷ đồng là con số ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020. Cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… việc miễn, giảm phí của ngân hàng được xem là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ cho khách hàng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát cho tới nay.

Tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng, mới đây NHNN đã có công văn chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) giảm 50% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (CMTC & BTĐT) cho các giao dịch trên ATM, POS so với mức phí đang áp dụng; giảm phí dịch vụ CMTC & BTĐT cho các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 so với mức đang áp dụng. NHNN cũng yêu cầu các TCTD điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua NAPAS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí mà NAPAS đã điều chỉnh giảm; khuyến khích TCTD giảm phí lớn hơn mức giảm của NAPAS, trường hợp đang áp dụng chính sách miễn phí đề nghị tiếp tục thực hiện. Thời gian thực hiện tối thiểu đến hết 31/12/2021.

Trên thực tế, để thu hút khách hàng gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng đã và đang có nhiều chương trình miễn, giảm phí lớn. Như Agribank gần đây đã đồng loạt triển khai trên toàn hệ thống chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước áp dụng cho kênh ngân hàng điện tử và tại quầy giao dịch. Vietcombank ra mắt 4 gói tài khoản dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng sử dụng các gói sẽ được miễn phí chuyển tiền trên VCB Digibank với hạn mức giao dịch lên tới 3 tỷ đồng/ngày. Khi duy trì số dư tài khoản thanh toán từ 2 triệu đồng mỗi tháng, khách hàng không phải đóng phí duy trì gói hàng tháng.

Ở VietinBank, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến hết quý II/2021, ngân hàng đã miễn giảm nhiều loại phí để hỗ trợ khách hàng với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng. Đại diện VietinBank cho hay, sẽ tiếp tục miễn giảm nhiều loại phí hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh như phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại tối đa lên tới 100%; miễn phí phần lớn dịch vụ trên eFAST với khách hàng doanh nghiệp, miễn phí chuyển khoản trong hệ thống cho toàn bộ khách hàng, giảm mạnh mức phí chuyển tiền ngoài hệ thống qua NAPAS và trên iPay Mobile. BIDV từ 26/4/2021 cũng đã ra mắt dịch vụ B-Free gồm 5 loại gói cho khách hàng lựa chọn phù hợp với nhu cầu, sử dụng dịch vụ này khách hàng sẽ được miễn 100% phí chuyển tiền online cũng như nhiều loại phí khác...

Khối các NHTMCP cũng rất sôi động với nhiều chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng: khách hàng mở tài khoản thanh toán trên Sacombank Pay có thể rút tiền miễn phí tại ATM Sacombank qua quét mã QR Code; Nam A Bank triển khai chương trình Ưu đãi vô cực 2021 miễn phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống kênh ngân hàng số; khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển tiền trên ứng dụng MBBank được miễn phí chuyển tiền; SHB miễn và giảm mạnh hầu hết phí giao dịch nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng…

Ngân hàng cũng cần chia sẻ

Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, hiện 100% thành viên của VNBA đã miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng, nhiều loại phí giảm tới 75-100%. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, phí đầu vào ngân hàng phải trả cho các nhà mạng viễn thông khi sử dụng dịch vụ SMS trên điện thoại thì vẫn không được giảm, dù đã qua nhiều lần kiến nghị. Ước tính mỗi năm, chỉ riêng 4 NHTMNN đã phải chi trả hơn 1.300 tỷ đồng cho phí SMS.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV vừa công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, được triển khai từ ngày 5/8/2021 và kéo dài trong 3 tháng. Vì vậy các ngân hàng mong muốn các doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm cước tin nhắn, đồng hành cùng ngân hàng trong việc giảm phí để hỗ trợ khách hàng.

Từ tháng 4/2020, VNBA có công văn gửi cho Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét giảm mức giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức giá cước thông thường hoặc ít nhất giảm 50% mức giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng. Sau đó Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi tới các doanh nghiệp viễn thông di động đề nghị xem xét, nghiên cứu giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí với các ngân hàng, song các doanh nghiệp chỉ báo cáo là chưa thực hiện giảm. Tiếp đó ngày 17/6/2020 và ngày 20/7/2020, VNBA tiếp tục có công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung này, nhưng cho đến nay đã hơn một năm thì đề nghị giảm cước SMS đối với ngân hàng vẫn không được các nhà mạng đoái hoài.

Không nhận được phản hồi từ phía các đơn vị viễn thông, bản thân các ngân hàng cũng đã phải tự xoay xở. Như Techcombank đã dừng cung cấp dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS mà chuyển sang thông báo qua ứng dụng F@st Mobile miễn phí, MSB cũng đã dừng thông báo số dư qua tin nhắn với những khách hàng đã sử dụng ứng dụng MSB mBank. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng hiện cũng đã hướng dẫn khách hàng dùng tin nhắn thông báo biến động số dư (OTT) trên ứng dụng ngân hàng điện tử để giảm chi phí tin nhắn SMS. Tuy nhiên, CEO của một NHTMCP cũng chỉ ra bất cập, sử dụng OTT thì phải có kết nối wifi/3G trở lên, nhưng điều này lại khá trở ngại đối với khách hàng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng chia sẻ, đại dịch Covid-19 tác động không riêng một ngành nghề, lĩnh vực nào. “Cùng với rất nhiều các bộ, ngành, đơn vị, thì toàn ngành Ngân hàng thời gian qua đã rất quyết liệt trong triển khai và thực hiện các giải pháp để hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch, trong đó có việc miễn, giảm phí. Tôi cho rằng việc chia sẻ khó khăn thông qua giảm cước tin nhắn cho các ngân hàng là kiến nghị hợp lý từ phía VNBA, để ngân hàng có thể bớt thêm một phần chi phí, từ đó gia tăng thêm nguồn lực hỗ trợ cho các khách hàng và nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhất là khi các ngân hàng còn phải chịu chi phí của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, MasterCard”, chuyên gia này bày tỏ quan điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả