Ngân hàng ‘tiếp sức’ khách hàng cá nhân bằng việc gia hạn nợ và giảm lãi vay
Không chỉ chia sẻ khó khăn với hàng loạt doanh nghiệp bị thiệt hại vì dịch COVID-19, các ngân hàng cũng xem xét cơ cấu lại các khoản nợ cũ cho các cá nhân, tiểu thương buôn bán hàng ngày ở chợ.
Thời gian gần đây, nhiều cá nhân từng vay tiền ngân hàng mua nhà, làm ăn theo dạng cho vay tiêu dùng điêu đứng khi thu nhập giảm sút. Đặc biệt, những người làm trong các lĩnh vực về du lịch, giáo dục... đang không biết lấy gì để trang trải tiền nợ, lãi hằng tháng, nếu không được giãn nợ, giảm lãi suất.
Liên quan tới nhóm khách hàng này, VPBank, Sacombank và OCB đang có những chính ưu đãi cho vay đối với cá nhân mua nhà trả góp, tiểu thương buôn bán hàng ngày ở chợ. Theo Sacombank, tính đến cuối tháng 3/2020, có khoảng 7.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với nhóm khách hàng cá nhân gửi về đề nghị ngân hàng giảm lãi vay và gia hạn nợ.
“Ngân hàng đã ban hành một quy chế nội bộ về giảm lãi vay và gia hạn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 căn cứ trên Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01). Theo đó, Sacombank xây dựng chính sách giảm lãi vay tính trên giá vốn huy động và cân nhắc trên khả năng tài chính ngân hàng. Từ đó đưa ra các mức cơ cấu lại khoản vay và giảm lãi suất từ 1 - 2% trên từng bộ hợp đồng tín dụng khách hàng đã ký kết cho vay vốn với ngân hàng, trong trường hợp khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19 quá nặng nề, ngân hàng có thể giảm lãi vay tối đa 2,5%”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank nói.
Theo bà Thạch Diễm, dự kiến trong tháng 4/2020, Sacombank sẽ gia hạn nợ và giảm lãi xong số dư nợ 7.000 tỷ đồng trên bằng nguồn dự phòng của ngân hàng. Các khoản cho vay cá nhân nếu đáp ứng được các điều kiện theo Thông tư 01 có thể đề nghị ngân hàng giảm lãi và gia hạn nợ
Còn Tổng Giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, cho hay: Ngân hàng hiện có khoảng vài chục ngàn khách hàng cá nhân. VPBank nhận thấy nhóm dân cư có thu nhập trung bình thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất việc không có tiền trả nợ. Do vậy, ngân hàng sẽ ưu tiên gia hạn nợ gốc cho người có dư nợ vốn vay, sau đó mới tính tiếp đến gia hạn lãi vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thông tư 01 hướng dẫn các ngân hàng giảm lãi vay và cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, không giới hạn cá nhân hay doanh nghiệp. Theo đó, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thông tư 01 cũng trao quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại (NHTM) và để cho các ngân hàng vận hành theo các quy luật của thị trường.
Đại diện BIDV nói: “Trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cá nhân, gia đình lo lắng với giấc mơ mua nhà, mua xe hay sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, với gói tín dụng "Đồng hành, Vươn xa", khách hàng vay vốn tại BIDV sẽ nhận được nguồn tín dụng nhanh chóng với lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn siêu linh hoạt".
BIDV vừa có gói tín dụng 20.000 tỷ đồng, lãi suất 7,3%/năm dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất chỉ từ 7,3%/năm, triển khai từ nay đến 30/09 (hoặc đến hết quy mô gói). Cụ thể: Lãi suất chỉ từ 7,3%/năm trong 6 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; hoặc lãi suất từ 7,8%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; lãi suất từ 8,2%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; lãi suất từ 8,6%/năm trong 24 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu…
Chương trình áp dụng với các khoản vay giải ngân mới có thời hạn vay tối thiểu 36 tháng, trong thời gian hiệu lực của chương trình, giúp khách hàng chủ động cân đối nguồn tài chính. Đồng thời, lãi suất trong chương trình đã được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ tối đa khách hàng trong và sau thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các khách hàng cá nhân vay vốn trung dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu nhà ở đích thực, vay mua ô tô thỏa mãn các điều kiện liên quan của BIDV đều được áp dụng lãi suất ưu đãi trong chương trình này.
LienVietPostBank cũng đã triển khai chương trình “Cho vay ưu đãi tiếp sức sản xuất kinh doanh dành cho mọi đối tượng khách hàng”, áp dụng lãi suất ưu đãi giảm 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng tiền VND so với lãi suất thông thường. Đến nay, LienVietPostBank đã xem xét và thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ đối với 2.500 tỷ đồng dư nợ cho vay của các khách hàng hiện hữu.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Chỉ thị 02 của NHNN vừa qua về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng không chỉ tập trung hạ lãi suất, mà còn yêu cầu ngân hàng thương mại tái cơ cấu khoản vay; hoãn, giãn nợ đến hạn, không chuyển nhóm nợ, giảm phí cho doanh nghiệp và người dân.
“Lúc này các ngân hàng phải cùng chung tay với doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn đã và phải hy sinh lợi nhuận. Tất cả các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh đều được giảm lãi suất. Các ngân hàng tùy theo khả năng và tiềm lực tài chính có thể đưa ra mức giảm nhiều hơn cho các đối tượng khác nhau. Có những doanh nghiệp ngay lập tức bây giờ chưa có nhu cầu vay vốn nhưng họ vẫn chuẩn bị để duy trì hoạt động ở mức tối đa có thể và khôi phục hoạt động ngay khi điều kiện cho phép. Nếu không chuẩn bị, hậu dịch COVID-19 sẽ không bắt kịp tiến độ kinh tế. Với những khách hàng đang có dư nợ, ngoài giảm lãi suất, họ có thể được cơ cấu lại nợ, giảm bớt các chi phí dịch vụ, nhất là dịch vụ đối với người lao động tại doanh nghiệp. Tác dụng hỗ trợ tích cực từ phía ngân hàng nên được đánh giá cả trước mắt và về lâu dài”, Phó Thống đốc NHNN nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận