Ngân hàng Thế giới kêu gọi Trung Quốc đóng góp nhiều hơn để hỗ trợ nước nghèo
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng vì vậy ông kỳ vọng nước này sẽ tăng cường đóng góp cho quỹ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) nhằm giúp các nước nghèo nhất.
Ông Malpass ngày 14/10 cho biết WB đang làm việc với Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và các nước khác với mục tiêu huy động đủ 100 tỷ USD cho quỹ IDA vào cuối năm nay.
Theo nhận định của ông Malpass, nền kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây đã tăng trưởng vì vậy ông kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các khoản quyên góp cho IDA nhiều hơn nữa.
Cũng theo Chủ tịch WB, Nhật Bản đã cam kết sẽ đóng góp nhiều hơn cho quỹ này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới các nước nghèo.
WB dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng lần lượt 5,7% và 4,4% trong năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, theo ông Malpass, sự cách biệt giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đang ngày càng nới rộng, ảnh hưởng nỗ lực giảm nghèo cùng cực đã đạt được trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên qua.
Hồi đầu tuần, WB đã nhất trí với mục tiêu 100 tỷ USD mà các quốc gia châu Phi đã kêu gọi tài trợ để giúp vực dậy nền kinh tế thoát khỏi suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. WB khẳng định nguồn tài trợ này là cần thiết để giải quyết những ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh hiện nay.
Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) là tổ chức trực thuộc nhóm WB, được thành lập năm 1960. IDA chuyên cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo nhất thế giới với mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo thông qua việc cung cấp các khoản cho vay không có lãi suất (còn gọi là khoản tín dụng) cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại cho các chương trình/dự án để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng cũng như cải thiện đời sống. IDA được tài trợ từ nguồn đóng góp của các quốc gia giàu có trên thế giới và nguồn Ngân hàng Quốc Tế về Tái Thiết và Phát triển (IBRD) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Ba năm một lần, WB, các nhà tài trợ và một số các quốc gia đi vay sẽ nhóm họp để quyết định bổ sung nguồn vốn cho IDA. Kể từ khi thành lập tới nay, IDA đã tổ chức 16 phiên họp để kêu gọi các nhà tài trợ góp vốn bổ sung cho hoạt động của IDA. Tiêu chuẩn để được vay IDA tùy thuộc vào mức độ đói nghèo tương đối của quốc gia đó, được xác định theo tỷ lệ Tổng thu nhập Quốc dân (GNI) theo đầu người dưới ngưỡng quy định của WB và được cập nhật hàng năm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận