Ngân hàng thận trọng với mục tiêu lợi nhuận dù kỳ vọng tín dụng cả năm tăng cao
Theo thống kê của VNDirect, trong số 15 ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch kinh doanh, hầu hết đều đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức tín dụng được cấp đầu năm bởi Ngân hàng Nhà nước.
Tính đến nay, 15 ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2023. Trong đó, ba ngân hàng quốc doanh niêm yết là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) đặt mục tiêu trưởng tín dụng trong khoảng 10-13% cho năm 2023, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, Thông tư 26 hiệu lực vào cuối năm 2022 đã hạ tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên vốn huy động) của cả BIDV và VietinBank, giúp cải thiện tăng trưởng tín dụng cho 2 ngân hàng này. Trong khi Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) cẩn trọng đặt mục tiêu 10% tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) đặt mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ lần lượt là 33%, 25% và 24% cho năm 2023.
Với VPBank, VNDirect cho rằng thương vụ phát hành riêng lẻ 15% gần đây với SMBC sẽ cải thiện CAR (hệ số an toàn vốn) của ngân hàng, thúc đẩy tăng tín dụng. HDBank vẫn còn dư địa để đạt mức tăng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng quy mô nhờ tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Tính đến cuối năm 2022, CAR của HDBank đạt 13,4%.
Trong khi đó, VNDirect cho rằng VIB với chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ tự tin vào kế hoạch tín dụng năm nay. Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức ban đầu được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Theo VNDirect, cân nhắc đến các yếu tố nhu cầu tín dụng thấp hơn, chi phí tín dụng cao hơn và tăng nợ xấu, 10/15 ngân hàng thương mại đã đặt tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 thấp hơn năm 2022. Ba ngân hàng quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10 – 15% so với mức thực hiện năm 2022.
Các ngân hàng thương mại khác cũng đặt mục tiêu từ 10 - 17% tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, dù năm trước có thể đạt mức 30 - 40%. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) là nhà băng duy nhất đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận âm cho năm 2023 (giảm 14% so với mức thực hiện năm 2022) khi ngân hàng phải đối mặt với một loạt các khó khăn đến từ tỷ trọng tín dụng cao liên quan tới nhóm ngành bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, CASA sụt giảm mạnh do khách hàng chuyển sang gửi tiền gửi kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao và việc hạ tín nhiệm từ Moody.
Đáng chú ý, VPBank đặt mục tiêu tín dụng năm 2023 đạt 636 nghìn tỷ đồng (tăng 33% so với mức thực hiện năm 2022) và lợi nhuận trước thuế đạt 24 nghìn tỷ đồng (tăng 13% hoặc tăng 53% nếu loại khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm trong năm 2022). VNDirect cho rằng cả hai kế hoạch này đều khá tham vọng xét trong bối cảnh nhu cầu còn yếu và tỷ trọng tín dụng cao với nhóm bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HoSE: STB) là một trong số những cái tên nổi bật trong ngành, với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao bất kể những khó khăn hiện tại. Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện năm 2022.
VNDirect cho rằng NIM của Sacombank có thể cải thiện lên mức 4% trong do dự phòng sẽ không còn là áp lực lớn khi ngân hàng đã ghi nhận phần lớn dự phòng vào năm ngoái.
“Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 của những ngân hàng này cho thấy sự tự tin của ban lành đạo về triển vọng ngành ngân hàng, một tín hiệu tích cực trong bối cảnh hiện tại”, VNDirect cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận