Ngân hàng tăng lợi nhuận khủng nhờ thương vụ bán ‘gà đẻ trứng vàng"
Các chuyên gia đánh giá thông qua việc bán công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài thành công, ngân hàng có thêm nguồn lực để tăng vốn cho chính mình và chất xúc tác giúp đẩy giá cổ phiếu đi lên.
Dù coi là “gà đẻ trứng vàng,” song các ngân hàng vẫn quyết bán công ty tài chính tiêu dùng và thu về tới cả tỷ USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bạo tay chi tiền để thâm nhập vào thị trường béo bở này.
Bán vốn để tăng sức mạnh
Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Giòn-Hà Nội (SHB) đã ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty tài chính SHB (SHB Finance) cho Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - một thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản). Với thương vụ này, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB Đỗ Quang Hiển cho biết việc lựa chọn được đối tác phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng sẽ góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị, công nghệ, phát triển khách hàng và mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế… Đặc biệt, thỏa thuận chuyển nhượng này sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng.
Phía Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi gần 156 triệu USD cho thương vụ - tương đương khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.
Có thể thấy ngày càng nhiều nhà băng muốn bán vốn tại công ty tài chính cho nước ngoài, nhất là khi nhìn vào thương vụ thoái vốn đầy thành công của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây, với việc bán 49% cổ phần FE Credit trị giá 1,4 tỷ USD cho Tập đoàn SMBC. Theo đó, FE Credit được định giá lên tới 2,8 tỷ USD, cao hơn cả mức định giá của nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện nay và cũng cao hơn các giao dịch tương tự trước đó.
Đại diện VPBank khẳng định số tiền thu được từ thương vụ bán vốn công ty tài chính sẽ được hạch toán vào khoản thu nhập bất thường của VPBank và ghi nhận ngay vào lợi nhuận năm 2021, khiến lợi nhuận năm nay của ngân hàng sẽ đột ngột tăng lên rất cao. Đây chính là cơ sở để ngân hàng tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ vào năm 2022.
49% cũng là tỷ lệ vốn mà Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) bán cho các công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc đối tác Nhật Bản.
Được biết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng dự kiến bán toàn bộ 100% vốn Công ty tài chính FCCOM, thay vì bán 50% như kế hoạch ban đầu. MSB đang trình xin ý kiến cổ đông việc dành một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược ở thời điểm cần thiết.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 16 công ty tài chính được cấp phép và đang hoạt động; trong đó có 6 công ty là thành viên của ngân hàng thương mại, bao gồm: Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) của VPBank; Công ty tài chính HD Saison của HDBank; Công ty tài chính Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB Finance); Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) của MB; Công ty tài chính bưu điện của SeABank và Công ty Tài chính Cộng đồng (FCCOM) của MSB.
Có phải hết thời “gà đẻ trứng vàng”?
Lý do nào khiến ngân hàng muốn thoái vốn khỏi công ty tài chính khi mà chỉ vài năm trước các công ty tài chính còn được ví như "con gà đẻ trứng vàng"?
Theo phân tích của các chuyên gia, những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 khiến rủi ro ở hoạt động cho vay nói chung và dư nợ tiêu dùng nói riêng đang ngày càng gia tăng. Với phân khúc khách hàng mục tiêu là các cá nhân có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng do dịch bệnh xảy ra đã khiến thu nhập nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động mua bán trì trệ, ngưng hẳn vì các chính sách giãn cách xã hội, nên các khoản cho vay tiêu dùng đang đứng trước nguy cơ trở thành nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn.
Ngoài ra, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, năm 2020 tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng chỉ dừng ở mức một con số. Lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng giảm mạnh, thậm chí có công ty cả năm chỉ thu về vài ba tỷ đồng, trong khi nợ xấu tăng vọt, đẩy số trích lập dự phòng của ngân hàng mẹ lên khá lớn.
Tại FE Credit, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh tới ngành tài chính tiêu dùng ngày càng nặng nề, chi phí dự phòng rủi ro của FE Credit được ghi nhận ở mức cao hơn, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của công ty trong 6 tháng đầu năm là 1.200 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Do vậy, một chuyên gia tài chính nhận định các ngân hàng Việt Nam cũng đang đi vào quỹ đạo chung của thế giới, tức dần dần rời khỏi mảng cho vay tiêu dùng thông qua việc thoái vốn hoặc giảm cổ phần khỏi các công ty tài chính vì rủi ro về cho vay tiêu dùng cá nhân rất lớn.
Ngược lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vì họ tự tin có công nghệ tài chính phù hợp để kiểm soát được rủi ro và có nguồn vốn lớn, đủ sức tránh được thiệt hại trong trường hợp rủi ro tín dụng tiêu dùng tăng.
Theo đánh giá của tiến sỹ Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, sự thay đổi này tùy theo chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong mỗi giai đoạn. Có thể thời điểm này, trước tác động khó khăn từ dịch bệnh, ngân hàng muốn cơ cấu lại hoạt động theo hướng tinh gọn hơn, dành nguồn lực tài chính cho những lĩnh vực cốt lõi đang cần vốn đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể là để nâng cao năng lực tài chính, qua đó là năng lực cạnh tranh của các công ty tài chính. Cũng có trường hợp ngân hàng thấy có nhà đầu tư quan tâm, trả giá tốt thì họ tận dụng cơ hội bán đi.
Ở khía cạnh khác, ông Thành cho rằng mảng kinh doanh này vẫn khá hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường tài chính của một quốc gia dưới hình thức công ty con 100% vốn cũng không phải việc dễ dàng do cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn. Do vậy, các nhà đầu tư này thường tìm các công ty tài chính kinh doanh bài bản, nền tảng khách hàng tốt, mạng lưới hoạt động rộng để mua, thay vì phải bắt tay tự làm từ đầu, vừa mất nhiều thời gian, vừa khó khăn trong khâu vận hành, thích nghi văn hóa bản địa.
Còn lãnh đạo một ngân hàng cho rằng bán một phần vốn của “gà đẻ trứng vàng” là quyết định đúng nếu ngân hàng muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực này. Trong trường hợp khi hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tạo gánh nặng chi phí hoạt động cho ngân hàng thì việc quyết định thoái toàn bộ vốn cũng là điều nên làm.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng thông qua việc bán công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài thành công, các ngân hàng có thêm nguồn lực để tăng vốn đồng thời đây cũng là chất xúc tác quan trọng giúp đẩy giá cổ phiếu đi lên, tạo điều kiện phát hành thêm cổ phiếu để tiếp tục tăng thêm vốn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận