Ngân hàng “sống” nhờ vào đâu trong mùa dịch?
Hầu hết thời gian trong 9 tháng đầu năm 2021, nhất là quý 3 đều bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Thế nhưng, ngân hàng vẫn “bình yên” vượt qua đại dịch nhờ tăng trưởng cả hoạt động chính và phi tín dụng.
Cả nguồn thu chính và phi tín dụng đều tăng trưởng
Trong 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng đều tăng trưởng so với cùng kỳ, bình quân tăng 37%, ngoại trừ Viet A Bank (VAB) giảm 13%. Đáng chú ý nhất là SCB, nguồn thu chính gấp 2.3 lần cùng kỳ, ghi nhận 6,647 tỷ đồng. Kế đó là các nhà băng đẩy mạnh thu nhập chính như KLB (+92%), SeABank (SSB, +85%), Nam A Bank (NAB, +71%), SHB (+63%)…
Tốc độ tăng trưởng thu nhập phi tín dụng của các ngân hàng cũng được đẩy mạnh không kém, bình quân tăng 36% so với cùng kỳ. Nhiều nhà băng tăng trưởng bằng lần như SCB (gấp 2.8 lần), MSB (gấp 2 lần). Ở chiều ngược lại, 4 ngân hàng có tăng trưởng thu nhập phi tín dụng âm là PGBank (-64%), Vietbank (VBB, -24%), Sacombank (STB, -5%), Eximbank (EIB, -1.32%).
Cơ cấu thu nhập của các ngân hàng 9 tháng đầu năm 2021. Đvt: Tỷ đồng
Xét về cơ cấu thu nhập, tỷ trọng nguồn thu ngoài lãi dù có cải thiện, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng từ 10-40% thu nhập hoạt động của các ngân hàng, còn lại là thu nhập từ hoạt động chính.
Một số ngân hàng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào cho vay khi tỷ trọng thu nhập lãi thuần cao trên 90% như NAB (92%), PGB (91%), BAB (90%)…
Tỷ lệ thu nhập tín dụng và phi tín dụng trong thu nhập hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2021. Đvt: %
Thu từ dịch vụ và chứng khoán tăng trưởng mạnh
Thu từ dịch vụ thường chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong cơ cấu thu nhập phi tín dụng của các ngân hàng. Theo dữ liệu VietstockFinance, tổng thu nhập phi tín dụng tại 28 ngân hàng tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi thu nhập lãi thuần chỉ tăng 31%. Có 4 ngân hàng thu từ dịch vụ đi lùi gồm BAB, OCB và STB cùng giảm 11% so với cùng kỳ, SGB giảm mạnh nhất đến 20%.
Các nguồn thu từ dịch vụ tăng mạnh trong thời gian qua cũng là điều dễ hiểu. Trong điều kiện dịch bệnh, khách hàng ngại giao dịch trực tiếp hoặc thậm chí là trong thời gian giãn cách xã hội suốt quý 3 không thể ra ngoài. Cũng vì vậy ngân hàng buộc phải thích nghi, đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, số hóa các giao dịch. Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều ưu đãi nhằm miễn, giảm, hỗ trợ phí cho khách hàng giao dịch trực tuyến. Điều này không chỉ hỗ trợ kịp thời cho khách hàng mà còn mang lại lợi ích cho chính ngân hàng.
Tại chương trình tư vấn đầu tư chủ đề “Ngành Ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” được tổ chức ngày 28/07/2021, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng từng chia sẻ, trào lưu miễn, giảm phí giao dịch ở các ngân hàng thương mại diễn ra từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và được nhiều ngân hàng thương mại hưởng ứng. Các ngân hàng kỳ vọng với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và việc khách hàng gia tăng sử dụng các dịch vụ thanh toán sẽ giúp các ngân hàng bù đắp được khoản lợi nhuận đã hy sinh do việc giảm phí.
Chính sách miễn, giảm phí giao dịch còn giúp các ngân hàng huy động được nguồn vốn giá rẻ thông qua nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Khi thói quen thanh toán trực tuyến gia tăng, lượng tiền gửi trong tài khoản cũng sẽ tăng theo, nhờ đó, các nhà băng có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này để cho vay, từ đó góp phần gia tăng biên lợi nhuận (NIM).
Một nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh khác đến từ chứng khoán đầu tư. Trong 9 tháng đầu năm, khoản lãi từ hoạt động này tăng mạnh, tính bằng lần như tại HDBank (HDB, gấp 3.8 lần), NAB (gấp 2.4 lần), SCB (gấp 4.5 lần).
Nếu xét về số tuyệt đối, VPBank mới là nhà băng thu được khoản lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư cao nhất với gần 2,367 tỷ đồng, con số này gấp 2.7 lần cùng kỳ. Kế đó là SCB (1,710 tỷ đồng) và TCB (1,473 tỷ đồng)…
Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá..., trong đó trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng khác.
Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng thu lãi từ chứng khoán đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2021. Như BIDV báo lỗ đến 342 tỷ đồng trong khi quý 3/2020 có lãi đến 1,009 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư. ABBank cũng đầu tư lỗ 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi đến 338 tỷ đồng.
Một dấu hiệu được đa phần các chuyên gia cảnh báo là ngân hàng đang tăng cường nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp – nhóm tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không có tài sản đảm bảo. Chưa kể đến là trong điều kiện dịch Covid-19 đang hoành hành thì hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.
Cơ cấu thu nhập phi tín dụng của các ngân hàng 9 tháng đầu năm 2021. Đvt: Tỷ đồng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận