Ngân hàng số ở Mỹ thắng thế trong cuộc chiến thu hút tiền gửi
Trong khi các ngân hàng khu vực ở Mỹ chứng kiến khách hàng ồ ạt rút tiền, các ngân hàng số đang thu hút tiền gửi nhờ cung cấp lãi suất cao hơn khi họ không tốn chi phí vận hành các chi nhánh.
Lượng tiền gửi trong quí đầu tiên ở các ngân hàng khu vực lớn của Mỹ như U.S. Bank, Truist Financial và Citizens Financial giảm mạnh, thậm chí giảm nhanh hơn so với lượng tiền gửi ở các ngân hàng khu vực đang gặp bất ổn như Western Alliance và PacWest.
Tuy nhiên, lượng tiền gửi trong quí vừa qua tăng lên ở các ngân hàng trực tuyến như Marcus của Goldman Sachs và Ally Financial, vốn không có mạng lưới chi nhánh. Tiền gửi cũng tăng tại Capital One, ngân hàng tập trung vào hoạt động trực tuyến và có ít chi nhánh hơn nhiều so với các ngân hàng khu vực lớn khác. Các ngân hàng số thường cung cấp các mức lãi suất tiền gửi cao hơn, vì họ không phải trả tiền cho bất động sản, nhân viên hoặc thiết bị cần thiết để vận hành một mạng lưới chi nhánh truyền thống.
Nhìn chung, các ngân hàng khu vực ở Mỹ đang đối mặt với hai vấn đề. Sự sụp đổ của một số ngân hàng hạng trung trong năm nay đã khiến một số khách hàng chuyển tiền gửi của họ sang những ngân hàng lớn nhất. Và với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy lãi suất lên cao, khách hàng đang rút tiền gửi của họ để mua trái phiếu chính phủ Mỹ và đầu tư vào các quỹ thị trường tiền tệ để thu được lợi nhuận cao hơn. Theo dữ liệu của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ đã giảm kỷ lục trong quí đầu tiên.
Ngay cả những ngân hàng lớn nhất cũng không tránh khỏi tác động của xu hướng tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở bên ngoài kênh ngân hàng. Tiền gửi ở Bank of America và Wells Fargo giảm nhẹ trong quí 1 dù họ nhận được thêm tiền gửi từ những khách hàng tháo chạy khỏi các ngân hàng nhỏ hơn. JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ là một ngoại lệ, với lượng tiền gửi tăng 2% trong quí đầu tiên.
Những biến động đó khiến một số ngân hàng tập trung vào trực tuyến trở nên nổi bật. Tiền gửi tại Capital One tăng 5% so với quí trước và tăng 1% tại Ally Financial. Goldman Sachs cho biết tiền gửi ở ngân hàng trực tuyến Marcus cũng tăng lên nhưng không đưa ra con số cụ thể.
“Tương lai của mọi thứ của ngành ngân hàng là kỹ thuật số,” Richard Fairbank, CEO của Capital One nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp báo hồi tháng 4.
Lãi suất trung bình trả cho tiền gửi là 3,2% tại Ally Financial trong quí đầu tiên và 2,4% tại Capital One. Lãi suất tiền gửi ở cả hai ngân hàng này đều cao hơn 2 điểm phần trăm so với một năm trước đó. Tại Bank of America và Wells Fargo, lãi suất tiền gửi trung bình là khoảng 1% trong quí đầu tiên.
Sự chuyển hướng sang các ngân hàng trực tuyến càng làm sôi nổi cuộc tranh luận về giá trị của các chi nhánh. Khách hàng ngày càng dựa vào công nghệ để thực hiện các giao dịch thông thường, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu của FDIC, các ngân hàng ở Mỹ đã đóng cửa khoảng 6.100 chi nhánh trong giai đoạn 2019-2022, khiến tổng số chi nhánh trên toàn quốc rớt dưới mức 71.200. Đó là số chi nhánh ngân hàng đóng cửa cao nhất trong khoảng thời gian ba năm trong lịch sử.
Theo Brian Riley, đồng trưởng bộ phận chiến lược thanh toán tại Javelin Strategy & Research, một ngân hàng có thể tốn tới 500.000 đô la một năm để vận hành một chi nhánh nhỏ ở một thành phố như Tampa ở bang Florida và con số này lên tới 1,3 triệu đô la đối với một chi nhánh hạng trung ở một thành phố lớn như New York. Những ước tính đó không bao gồm chi phí thiết bị văn phòng và chi phí vốn đầu tư khác.
Mặt khác, công nghệ cũng thúc đẩy làn sóng rút tiền ở các ngân hàng như Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank vì dịch vụ ngân hàng trực tuyến giúp mọi người rút tiền tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, các ngân hàng truyền thống cho biết ngay cả những khách hàng am hiểu công nghệ nhất vẫn muốn đến chi nhánh để thực hiện các giao dịch phức tạp như vay thế chấp. Các chi nhánh có thể là một cách quan trọng để các ngân hàng thúc đẩy hoạt động kinh doanh khi chúng được đặt đúng nơi.
Ví dụ, JPMorgan đã mở chi nhánh mới tại 25 bang và quận Columbia kể từ năm 2018, nhưng đã giảm quy mô mạng lưới tổng thể xuống hàng trăm chi nhánh kể từ đó.
Các ngân hàng dự kiến tiếp tục cắt giảm chi phí chi nhánh.
Donald Fandetti, nhà phân tích ở ngân hàng Wells Fargo, nói: “Nếu bạn là một ngân hàng truyền thống có chi nhánh và bạn cần bắt đầu trả lãi suất cao hơn cho các khoản tiền gửi, điều đó sẽ gây tổn hại đến lợi nhuận”.
Các ngân hàng nổi tiếng với hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng chứng kiến khách hàng rót tiền mặt vào chứng chỉ tiền gửi và các tài khoản khác trong năm qua. Tiền gửi tăng hàng quí tại các hãng thẻ như American Express và Synchrony Financial.
Các tổ chức phát hành thẻ không dựa vào mạng lưới chi nhánh truyền thống. Họ cũng có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn từ các khoản vay hoặc phí giao dịch so với các ngân hàng khác.
Tại ngân hàng số Discover Financial, tiền gửi tăng khoảng 4% trong qúi đầu tiên. Theo Roger Hochschild, CEO của Discover Financial, phần lớn các khoản tiền gửi mà Discover thu hút đến từ các ngân hàng lớn.
Hochschild nói: “Nhờ không tốn chi phí cho các chi nhánh, chúng tôi có thể đưa ra mức lãi suất cao hơn. Tôi nghĩ rằng rất nhiều ngân hàng truyền thống cần phải điều chỉnh mô hình của họ vì mọi người đang quan tâm đến việc kiếm được lãi suất tốt hơn từ số tiền tiết kiệm của họ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận