Ngân hàng số - Con đường tất yếu với nhiều thách thức
Xác định ngân hàng số là con đường phát triển tất yếu, nhưng các chuyên gia cho rằng, nhiều thách thức đang đón chờ.
Nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam nói riêng đang chứng kiến quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngân hàng số được coi như một con đường phát triển tất yếu của các nhà băng, nếu như không muốn tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, ngân hàng số chính xác là gì, nó mang lại những cơ hội và thách thức như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ.
"Khái niệm ngân hàng số vẫn thường bị nhầm lẫn"
Trao đổi tại cuộc tọa đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” do BizLIVE tổ chức sáng ngày 14/6, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, thị hiếu khách hàng hiện nay và tương lai đang thay đổi nhanh chóng, theo hướng nhanh, tiện lợi, an toàn, hàm lượng công nghệ nhiều hơn, chi phí thấp hơn.
Theo đó, ngân hàng số ra đời mới có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu này.
Ngoài ra, xu thế phát triển công nghệ thông tin vô cùng mạnh mẽ từ trí tuệ nhân tạo (AI), internet, môi trường quản lý các ngân hàng phải tái cơ cấu, hướng tới khách hàng nhiều hơn để cạnh tranh, tồn tại cũng là những nguyên nhân cho sự bùng nổ của ngân hàng số.
Tuy vậy, chuyên gia cũng cho biết, khái niệm ngân hàng số vẫn thường bị nhầm lẫn với khái niệm số hoạt động ngân hàng truyền thống.
Theo cách hiểu số hóa hoạt động ngân hàng truyền thống, các ngân hàng sẽ số hóa tất cả hoạt động và dịch vụ ngân hàng hiện hữu. Tuy nhiên, cách hiểu này là không đủ.
“Ngân hàng số còn là mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có”, ông Lực nhấn mạnh.
Có cái nhìn cụ thể hơn, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Số TPBank cho rằng, định nghĩa "Ngân hàng số" là một định nghĩa rất rộng, với mỗi ngân hàng, thậm chí với mỗi người đều tự có những định nghĩa riêng.
“Tuy nhiên, với chúng tôi, ngân hàng số không phải là Internet Banking hay Online Banking, không phải là công nghệ ngân hàng, cũng không phải là kênh thay thế.
Với chúng tôi, ngân hàng số là một mô hình kinh doanh ngân hàng, bao gồm 4 trụ cột là sản phẩm mới, cách thức bán, kênh tiếp cận, cơ chế vận hành, phục vụ khách hàng và cơ chế kiểm soát rủi ro. Tất cả đều được trợ giúp bởi các nền tảng công nghệ mới.
Ngân hàng số được cấu thành bởi ngân hàng và số, giúp phục vụ tất cả các mong muốn giao dịch trên kênh số để khách hàng không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và có thể giao dịch trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể”, ông Nam cho hay.
Cần xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số
Xác định ngân hàng số là con đường phát triển tất yếu, nhưng ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp Ngân hàng Số VPBank cũng cho rằng, những thách thức đón chờ các nhà băng là không hề nhỏ.
“Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất chính là niềm tin, thói quen khách hàng. Tôi đã từng được tham gia buổi nói chuyện của tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba. Ông có chia sẻ rằng, trong những ngày đầu thành lập, ông đặt mục tiêu phải “phá” được thói quen cũ người dùng, xây dựng niềm tin và để làm được điều này thì phải mang lại lợi ích cho người dùng", ông Thắng nói.
Cũng theo lãnh đạo này, một thách thức không nhỏ khác, chính là việc xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số. Bởi, người dùng thường muốn sử dụng xuyên suốt tất cả các dịch vụ số cơ bản.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khách hàng cá nhân của HDBank cho biết, HDBank đang sở hữu một hệ sinh thái riêng, rất đặc thù và là một môi trường đòi hỏi tương tác số cao nhất.
Việc ứng dụng chuyển đổi số đã được các đầu mối trong hệ sinh thái thực hiện từ nhiều năm trước, thậm chí ngay từ những ngày đầu các thành viên ra đời và đi vào hoạt động.
“Vấn đề còn lại là làm sao để tương tác, kết nối và kích thích lợi ích tốt nhất trong hệ sinh thái đó. Vì lợi ích của khách hàng tạo nên bền vững của hệ sinh thái. Khách hàng họ có nhiều nhu cầu, có cả một chuỗi hành trình nhu cầu, các nhà cung cấp dịch vụ, hay chuyển đổi số phải làm sau đảm bảo đáp ứng được tốt nhất nhu cầu, lợi ích đầu và cuối của chuỗi hành trình đó”, ông Quốc Anh nói.
Và với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ đó, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cũng đặt ra thách thức đối với chính các cơ quan quản lý, khung khổ pháp lý.
Thực tiễn mà chuyên gia này đưa ra, ngay như với một sản phẩm công nghệ và sự xuất hiện của Grab, hay Uber những năm trước, có những khía cạnh mà các cơ quan quản lý vẫn còn loay hoay.
Với ngân hàng số cũng vậy, hay với fintech và ví điện tử, khung khổ pháp lý, thường đi sau, và đang cần tiếp tục hoàn chỉnh.
Ví dụ như mới nhất, sau dự thảo hạn mức giao dịch đối với ví điện tử, trước thực tiễn và các ý kiến đóng góp, dự kiến hạn mức mới đang được đưa vào để tìm đến điểm phù hợp...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận