Ngân hàng SCB bán nợ xấu
Ngày 11/9 tới, SCB dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, khu công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM.
Theo đó, SCB đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là Trường Kỹ thuật Tin học Sài Gòn với giá khởi điểm 191 tỷ đồng.
Khu đất có diện tích 5.646 m2, được sử dụng để xây dựng Trường Kỹ thuật Tin học Sài Gòn (SaigonTech). Đất được nhà nước giao và thu tiền sử dụng đất một lần, có thời hạn sử dụng đến 24/12/2056.
Công trình xây dựng gắn liền với đất bao gồm một trường đào tạo tin học 14 tầng với tổng diện tích xây dựng là 20.935 m2, được xây từ năm 2006.
SCB đặt mức giá khởi điểm cho lô tài sản trên là gần 191 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Khoản tiền đặt trước để có thể tham gia đấu giá là 19 tỷ đồng (tương đương 10% giá khởi điểm). Tài sản sẽ được đấu giá vào ngày 11/9/2020.
Trước đó, SCB cũng rao bán nhiều bất động sản "khủng" khác với giá khởi điểm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, ngân hàng đã cho đấu giá Dự án BMC Hưng Long với tổng diện tích 19.639 m2, tọa lạc tại số 1323 (số cũ 60/7) Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM. Giá khởi điểm cho bất động sản này là 2.530 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SCB cũng đang đấu giá bán quyền sử dụng đất kho Phước Sơn, thuộc phường An Phú, xã Thuận An, tỉnh Bình Dương có diện tích 102.902 m2 với giá khởi điểm là 830 tỷ đồng.
Hiện SCB còn nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, nhưng đã trích dự phòng hơn 40%.
Quỹ dự phòng của SCB lên đến trên 14.000 tỷ đồng nên vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm hoàn nhập dự phòng sau khi kết thúc quá trình tái cấu trúc, xử lý hết nợ xấu. Hiện quá trình xử lý nợ xấu đã có cơ chế của VAMC.
Trong quá trình tái cấu, SCB tái cấu trúc các khoản nợ cho phù hợp với thị trường cũng như phù hợp với từng giai đoạn phát triển bởi nợ xấu của SCB đều có tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản có tiềm năng (khu công nghiệp, bất động sản nhà ở), không có hàng tồn kho.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, SCB chỉ đạt lợi nhuận khiêm tốn xấp xỉ 29 tỷ đồng, do ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, SCB đã trích lập 2.174 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên gần 14.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2020.
Mới đây tại đại hội cổ đông thường niên, SCB đã thông qua việc tăng vốn điều lệ theem 5.000 tỷ đồng, lên mức 20.231 tỷ đồng.
Thông tin từ phía ngân hàng cho biết, SCB đang xúc tiến việc phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc tăng vốn lần này để bổ sung năng lực vốn và năng lực tài chính trong bối cảnh toàn hệ thống TCTD đang khẩn trương đáp ứng yêu cầu vốn theo Basel II.
Đồng thời về lâu dài, SCB vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để cùng tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng và thực hiện các mục tiêu dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận