menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bá Phú

Ngân hàng quốc doanh sắp trở lại thời kỳ hoàng kim về lợi nhuận?

Agribank và BIDV đang trên đường trở lại thời kỳ hoàng kim về lợi nhuận. Cùng với "vua lợi nhuận" Vietcombank, bộ ba ngân hàng quốc doanh này có thể sớm tái lập khoảng cách lợi nhuận với các ngân hàng tư nhân, trong bối cảnh những ngân hàng tư hàng đầu như Techcombank hay VPBank đang có phần chững lại trong tăng trưởng.

65.141 tỷ đồng là tổng lượng trích lập dự phòng của Agribank trong 4 năm gần đây, cao nhất hệ thống ngân hàng. Mức độ trích lập dự phòng "khổng lồ" trên sẽ dễ hình dung hơn khi so với các ngân hàng trong nhóm "Big 4" khi con số này gấp 1,34 lần BIDV, gấp 2,5 lần Vietcombank và gấp 2,52 lần VietinBank.

Sau nhiều năm miệt mài trích lập dự phòng, thành quả đã đến với Agribank. Tính đến hết ngày 31/12/2018, giá trị trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng của ngân hàng này chỉ còn vỏn vẹn 2.355 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 1,6%. Nếu tính gộp cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu chưa trích lập dự phòng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu thực tế của Agribank chỉ ở mức 1,83%, thấp hơn nhiều ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Agribank xem như đã có thể "trút" được gánh nặng trích lập dự phòng và hệ quả nối tiếp sẽ là tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao trong năm sau đó.

Năm 2018, trong số 21.718 tỷ đồng chi phí trích lập dự phòng của Agribank có tới 9.678 tỷ đồng là trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, còn lại là trích lập dự phòng cho vay khách hàng.

Năm 2019, giả định Agribank trích lập nốt 2.355 tỷ đồng trái phiếu VAMC và không phát sinh nợ xấu VAMC mới (ngân hàng này đặt kế hoạch sạch nợ tại VAMC trong năm 2019), nghĩa là tổng lượng trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC năm 2019 là 2.355 tỷ đồng thì so với năm 2018 (9.678 tỷ đồng), con số này thấp hơn khoảng 7.300 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa chỉ đơn thuần do giảm trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, lợi nhuận trước thuế của Agribank năm 2019 đã có thể tăng đột biến thêm 7.300 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận trước thuế tăng lên mức trên 14.600 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Agribank là trên 7.300 tỷ đồng).

Nhìn từ giả định trên, có thể thấy kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.000 tỷ đồng trong năm 2019 của Agribank có phần "khiêm tốn". Thực tế thì chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Agribank đã đạt tới 4.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 41% kế hoạch năm chỉ sau 1/3 năm.

Tương tự như Agribank, BIDV cũng là ngân hàng trích lập dự phòng mạnh tay trong những năm qua. Thống kê 4 năm gần đây cho thấy, tổng lượng trích lập dự phòng của BIDV là 48.617 tỷ đồng, xếp thứ 2 hệ thống ngân hàng chỉ sau Agribank. Lượng trích lập này gần gấp đôi Vietcombank cũng như VietinBank.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV ở mức 1,9%. Nếu cộng cả nợ xấu VAMC chưa trích lập dự phòng, tỷ lệ nợ xấu của BIDV vẫn dưới ngưỡng quy định 3%, ở mức 2,64%.

Năm 2019, BIDV cũng đặt mục tiêu sạch nợ tại VAMC. Để thực hiện mục tiêu này, BIDV sẽ phải tốn khá nhiều chi phí (ít nhất 6.461 tỷ đồng, bằng lượng nợ xấu chưa trích lập dự phòng tại VAMC). Mặc dù vậy, ngân hàng này vẫn đặt mục tiêu 10.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận là rất lớn.

Giả định tương tự như trường hợp Agribank, năm 2020, BIDV không còn phải trích lập dự phòng trái phiếu VAMC đồng nghĩa lợi nhuận trước thuế sẽ tăng thêm ít nhất 6.461 tỷ đồng chỉ đơn thuần nhờ việc giảm trích lập dự phòng trái phiếu VAMC.

Có thể thấy, Agribank và BIDV đang trên đường trở lại thời kỳ hoàng kim về lợi nhuận. Cùng với "vua lợi nhuận" Vietcombank, bộ ba ngân hàng quốc doanh này có thể tái lập khoảng cách lợi nhuận với các ngân hàng tư nhân, trong bối cảnh những ngân hàng tư hàng đầu như Techcombank hay VPBank đang có phần chững lại trong tăng trưởng.

Năm 2019, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 11.750 tỷ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank. Tuy nhiên đáng chú ý là quý I/2019, lợi nhuận trước thuế của Techcombank chỉ tăng vỏn vẹn 2% (hoàn thành 22% kế hoạch năm) chủ yếu do giảm lượng trích lập dự phòng, đưa tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần xuống mức cực thấp, chỉ 6%, hàm ý rằng dư địa giảm tỷ lệ trích lập dự phòng ở các năm tiếp theo gần như không còn.

Trong khi đó, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 ở mức 9.500 tỷ đồng, "thua" bộ ba Vietcombank - Agribank - BIDV. VPBank hiện đang "vật lộn" với những khó khăn trong mảng tài chính tiêu dùng. Quý I/2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành vỏn vẹn 19% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại