Ngân hàng nhà nước nâng lãi suất điều hành và những tác động đến thị trường chứng khoán.
Tổng quan tình hình
Trong ngày 23/9 vừa qua, ngay sau sự kiện nâng 75 điểm lãi suất lần thứ 3 trong năm của FED thì ngân hàng nhà nước đã ngay lập tức tổ chức hội nghị để đưa ra quyết sách định hướng cho thị trường tài chính. Nhận thấy rõ mức độ ảnh hưởng của những tác động sắp tới, quyết sách nâng mặt bằng lãi suất đã được NNHN thông qua trong hội nghị. Cụ thể các mức lãi suất được quyết định như sau:
- Lãi suất tái cấp vốn được nâng lên 1% tương ứng với mức 5%/năm.
- Lãi suất tái chiết khấu được nâng lên mức 3,5%/năm
- Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nâng lên mức 6%/năm.
Thị trường tài chính sẽ chịu những tác động như thế nào?
Với những động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, chúng ta có thể hiểu rằng chi phí vốn trong toàn bộ hệ thống tài chính đã được nâng lên 1 mức mới. Nói cách khác, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã bắt đầu đi đến giai đoạn thắt chặt.
Việc lãi suất điều hành được nâng lên cũng đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên. Để hiểu được tại sao lại như thế chúng ta sẽ đi sâu vào mô hình 2 cấp sau:
Mô hình điều hành 2 cấp-Cre: Tài chính và kinh doanh
Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành các ngân hàng thương mại thông qua lãi suất điều hành. Từ đây, các ngân hàng thương mại sẽ dựa trên cơ sở lãi suất điều hành để đưa ra những mức lãi suất tương ứng trên thị trường tín dụng đối với cá nhân, doanh nghiệp và liên ngân hàng.
Như vậy, việc lãi suất điều hành tăng lên cũng có nghĩa rằng các ngân hàng cũng sẽ phải tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đồng thời để duy trì biên lợi nhuận. Cá nhân, doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng giờ đây sẽ được hưởng mức lãi suất tiền gửi cao hơn. Vấn đề ở đây là mặc dù Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động nhưng lại kiểm soát mức lãi suất cho vay. Điều này sẽ vô cùng khó khăn cho các ngân hàng trong việc duy trì biên lợi nhuận trong thời gian tới. Mặc dù lãi suất liên ngân hàng hay lãi suất cấp vốn giữa các ngân hàng với nhau cũng gia tăng nhưng sẽ khó có thể lấp đầy được nguồn lợi nhuận thiếu hụt đến từ việc duy trì mức thấp đối với lãi suất cho vay đối với người dân và các doanh nghiệp. Triển vọng kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong thời gian tới do đó sẽ có khả năng cao bị đi lùi so với mức tăng trưởng hiện tại.
Trên thị trường chứng khoán hiện tại, dòng Bank chính là dòng chiếm tỷ lệ vốn hóa cao nhất(khoảng 1/3) nên với những yếu tố hạn chế như này thì thị giá của dòng cổ phiếu này sẽ khó hồi phục tốt trong thời gian tới và sẽ tạo nên hiệu ứng tác động khá khó chịu với thị trường chứng khoán nói chung. Đồng thời, việc mặt bằng lãi suất nói chung và lãi suất huy động nói riêng gia tăng cũng sẽ thu hút thêm các cá nhân gửi tiền vào ngân hàng và đầu tư vào các kênh an toàn hơn. Điều tất yếu sẽ xảy ra đó là dòng tiền ở các kênh có tỷ lệ rủi ro cao hơn như thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng bị tiếp tục hút ra trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận