menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Ngân hàng Nhà nước 'gồng mình' gánh nợ thay Trương Mỹ Lan

Ngày 3/4, Viện KSND TP.HCM đối đáp lần 2 đối với quan điểm bào chữa của luật sư, bị cáo liên quan đến nhiều nội dung trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 84 bị cáo đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng (theo cáo trạng - PV).

Trước đó, ở phần luận tội, Viện KSND TP.HCM (VKS) đề nghị án tử hình đối với bị cáo Lan về 3 tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "tham ô tài sản", "đưa hối lộ".

Khi bào chữa bổ sung, luật sư của Trương Mỹ Lan nói đây là lần đầu tiên xét xử và đề nghị một nữ doanh nhân với mức án tử hình. Đối đáp, VKS nói: "Nhưng luật sư lại nêu thiếu một mệnh đề quan trọng là lần đầu tiên có một nữ doanh nhân bằng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt tài sản với giá trị đặc biệt lớn như vậy".

Với quan điểm luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan không phạm tội "tham ô tài sản" vì không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB, VKS cho rằng cách tiếp cận của các luật sư là đã tách bị cáo ra khỏi hệ thống SCB và chỉ nhìn ở góc độ "chức vụ". Còn ở góc tiếp cận rộng hơn, thì toàn bộ cơ cấu bộ máy SCB đều sai phạm, từ đại hội đồng cổ đông cho tới các cấp dưới.

Hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa thể hiện bị cáo Lan sở hữu, quản lý 91,5% cổ phần SCB - đã vi phạm quy định của luật Các tổ chức tín dụng. Bị cáo Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, tham gia đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, Ban kiểm soát, đưa người của mình vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Trích dẫn điều 353 bộ luật Hình sự quy định về tội "tham ô tài sản", đại diện VKS nói điều luật này quy định "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải có "chức vụ và quyền hạn", trong khi Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác.

Về ý kiến của luật sư "nói bị cáo Lan chiếm đoạt nhưng SCB lấy đâu ra tiền, chiếm đoạt cái gì?", VKS nêu kết quả điều tra đã chứng minh rõ bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày; bị cáo không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào để bảo trợ cho SCB.

Theo VKS, trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại SCB, Ngân hàng Tín Nghĩa. Đến khi hợp nhất, SCB xác định đây là những khoản nợ khó thu, tài sản đảm bảo có giá trị thấp. Nếu như bị cáo có đủ nguồn lực tài chính thì bị cáo đã tất toán các khoản nợ, khoản phải thu tại thời điểm hợp nhất. Vì vậy bị cáo đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền của dân phục vụ cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích kinh doanh bất động sản.

"Khoảng 1.109/1.169 tài sản, chiếm 94,8% tài sản của bị cáo được hình thành trong thời gian bị cáo phạm tội. Bị cáo đã lấy tiền SCB mua dự án, bất động sản. Nhiều tài sản, dự án hiện CQĐT còn đang tiếp tục xác minh", VKS nhấn mạnh và nói thêm: "Luật sư hỏi tiền ở đâu ra để chiếm đoạt, đó là tiền huy động của người dân và đó chính là số tiền mà hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang phải gồng mình, bằng mọi biện pháp để cho SCB vay một số tiền khổng lồ để SCB duy trì hoạt động, chi trả cho người dân, ổn định tình hình kinh tế, chính trị đất nước. Số tiền mà Nhà nước đang phải cho SCB vay không biết đến khi nào thu hồi được".

Ngoài ra, sau khi luật sư, bị cáo tranh luận bổ sung, đối đáp lần 2, cơ quan công tố ghi nhận thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt so với mức án đề nghị trước đó đối với 22 bị cáo trong vụ án. Trong đó, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) được giảm xuống 10 - 11 năm, thay vì 11 - 12 năm; Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Lan, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 17 - 18 năm tù, trước đó là 19 - 20 năm; Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) từ 10 - 11 năm tù, nay giảm còn 9 - 10 năm tù… Đối với các bị cáo còn lại, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố và luận tội.

Hôm nay (4/4), các bị cáo còn lại trong vụ án sẽ nói lời sau cùng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả