Ngân hàng Nhà nước giảm hút tiền và không ngừng bơm ra, tỷ giá quay đầu giảm mạnh
Từ đầu tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không chỉ thực hiện hút ròng tiền trên thị trường mà nhà điều hành còn bơm tiền ra. Tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng cùng giảm nhiệt chiều ngày 4/4.
Cụ thể, ngày 4/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện hút 200 tỷ đồng trên thị trường mở. Đây là ngày có khối lượng thấp nhất từ khi nhà điều hành hút tiền về từ giữa tháng 3 đến nay. Một trong 3 thành viên đã trúng thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 2,4%.
Trước đó, ngày 3/4, NHNN cũng đã thực hiện hút về 300 tỷ đồng tín phiếu nhưng lãi suất chỉ 1,9%/năm ở kỳ hạn 28 ngày. Không những hút về mà NHNN còn thực hiện bơm ra thị trường hơn 2.513 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm. Đây là phiên bơm tiền thứ 2 của NHNN kể từ đầu tháng 4/2024 đến này.
Trước động thái giảm hút ròng và tăng cường bơm tiền ra của NHNN, áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt trong chiều ngày 4/4. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã giảm khá mạnh giá USD từ 30 đồng/USD đến gần 100 đồng/USD. Vietcombank giảm nhẹ giá USD 30 đồng so với sáng cùng ngày, xuống còn 24.740-25.110 đồng/USD (mua-bán). Eximbank cũng giảm giá mua USD xuống còn 24.700-24.780 đồng/USD (mua tiền mặt - chuyển khoản) và bán ra 25.090 đồng/USD.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ngày 4/4 giảm từ 0,16 - 0,84% so với ngày trước đó. Lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 3,58%/năm, 1 tuần còn 3,92%/năm, 2 tuần 4,05%/năm, 1 tháng 4,08%/năm, 3 tháng 3,98%/năm, 6 tháng 4,32%/năm, 1 năm 5,2%/năm.
Theo Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú, đầu năm 2024, trong quý I tỷ giá cũng nóng thêm. Đây là một trong những vấn đề mà NHNN cho rằng rất đáng được quan tâm, được điều hành một cách tập trung. Ông Tú nêu 3 lý do khiến tỷ giá tăng trong thời gian qua.
Thứ nhất là việc Fed chưa đưa ra được thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc hạ lãi suất, khiến giá trị đồng USD trong những ngày vừa qua tăng rất cao. Đồng USD tăng giá sẽ tác động đến giảm giá của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, do đó tác động đến tỷ giá đồng tiền của Việt Nam so với USD.
Thứ hai là chính sách hạ lãi suất của Việt Nam thời gian qua rất mạnh, đã tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng. Tiếp tục duy trì âm nghĩa là lãi suất Việt Nam thấp hơn so với lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng, và điều tạo ra áp lực làm đồng USD nóng lên.
Thứ ba, trong 3 tháng đầu năm, nhập khẩu tương đối tích cực, vì thế nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Ngoài ra cũng có một số chính sách khác có thể tác động lên chính sách tỷ giá.
Tuy vậy, ông Tú nhận định, tỷ giá vẫn đảm bảo duy trì được sự ổn định và vẫn đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo các cân đối chung ngoại tệ, cũng như đáp ứng được nhu cầu hợp pháp cho các doanh nghiệp và nhu cầu xuất nhập khẩu. Đặc biệt, so với các nước khác, tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với USD vẫn còn ở mức thấp, như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, hoặc đồng Baht của Thái Lan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận