Ngân hàng Nhà nước dự thảo thông tư sử dụng chữ ký số trong lĩnh vực ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư Quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Ngân hàng Nhà nước nhằm thay thế Thông tư 28/2015/TT-NHNN.
Đảm bảo tính tức thời của việc trao đổi thông tin, báo cáo
Theo Ban soạn thảo, Thông tư 28/2015/TT-NHNN ngày 18/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được ban hành đã tạo hành lang pháp lý và hướng dẫn toàn diện cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức khác trong việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước. Triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ và cập nhật các quy định của Nghị định 130/2018/NĐ-CP đồng thời để phù hợp với tình hình thực tế triển khai Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Ngân hàng Nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cục Công nghệ thông tin) đã nghiên cứu, hoàn thành Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 28/2015/TT-NHNN (sau đây gọi là Dự thảo Thông tư).
Cơ sở pháp lý để dự thảo Thông tư mới là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Trên cơ sở các quy định của Luật giao dịch điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành Thông tư 06/2015/TT-BTTTT ngày 23/03/2015 quy định danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Thông tư 16/2019/TT-BTTTT ngày 05/12/2019 quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng căn cứ Nghị quyết 17/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 528/QĐ-NHNN ngày 29/3/2019 về Kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, theo NHNN, việc xây dựng dự thảo Thông tư cũng xuất phát từ việc tiếp nhận, xử lý các đề nghị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng NHNN hoàn toàn trên môi trường điện tử (Cổng dịch vụ công trực tuyến) góp phần giảm thiểu thời gian luân chuyển, xử lý, đảm bảo tính tức thời của việc trao đổi thông tin, báo cáo gửi NHNN. Bên cạnh đó còn góp phần giảm thiểu chi phí in ấn, lưu trữ và bảo quản hồ sơ văn bản giấy đặc biệt là quá trình vận chuyển trong các trường hợp bất khả kháng như thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Quá trình tiếp nhận, xử lý các hồ sơ trên môi trường điện tử cũng giúp các tổ chức nắm rõ thông tin quá trình, tiến độ xử lý hồ sơ để kịp thời phản hồi, cung cấp các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng.
Chỉ thực hiện ký số được tích hợp chữ ký số của NHNN
Dự thảo Thông tư quy định về phương thức gửi, nhận văn bản, báo cáo, hồ sơ liên quan đến dịch vụ chứng thực chữ ký số và kết quả xử lý (Điều 7 dự thảo Thông tư):
Tổ chức quản lý thuê bao gửi văn bản, báo cáo, hồ sơ liên quan đến chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng NHNN đến Cục Công nghệ thông tin qua hệ thống dịch vụ công; Cục Công nghệ thông tin chỉ tiếp nhận, xử lý văn bản giấy trong các trường hợp ngoại lệ: Hệ thống dịch vụ công gặp sự cố không thể hoạt động được; Tổ chức quản lý thuê bao chưa được cấp chứng thư số có nghiệp vụ dịch vụ công hoặc chứng thư số hết hiệu lực hoặc thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao bị hỏng.
Quy định về sử dụng hệ thống dịch vụ công về lĩnh vực chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số: Yêu cầu đăng ký sử dụng hệ thống dịch vụ công về lĩnh vực chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (Điều 9 Khoản 1); Cấp mới chứng thư số (Điều 10 Khoản 1-4); Gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số (Điều 11 Khoản 4)…
Về trách nhiệm người ký, người nhận (Điều 24 dự thảo Thông tư) dự thảo Thông tư quy định: Người ký chỉ thực hiện ký số trên các hệ thống thông tin được tích hợp chữ ký số của NHNN (nêu tại Khoản 9 Điều 3 Thông tư) khi hệ thống thông báo trạng thái chứng thư số của mình có hiệu lực; Người nhận chỉ chấp nhận chữ ký số của người ký khi các hệ thống thông tin nêu tại Khoản 9 Điều 3 Thông tư này thông báo việc kiểm tra các thông tin sau là phù hợp: Hiệu lực, phạm vi sử dụng, nghiệp vụ chứng thư số, giới hạn trách nhiệm và các thông tin trên chứng thư số của người ký; Chữ ký số phải được tạo bởi khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trên chứng thư số của người ký.
Các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng sử dụng chữ ký số chuyên dùng Ngân hàng Nhà nước phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đang có hiệu lực; Cập nhật chứng thư số của CA-NHNN trong các ứng dụng theo yêu cầu của CA-NHNN để đảm bảo kết quả xác thực là chính xác; Đáp ứng đúng các yêu cầu về kiểm tra trạng thái chứng thư số trên hệ thống thông tin để thông báo cho người ký, người nhận.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng bổ sung một số quy định mới về trường hợp tự động thu hồi chứng thư số khi tổ chức có quyết định thu hồi giấy phép hoạt động; Chứng thư số cấp cho thuê bao nhưng thuê bao không kích hoạt sử dụng; Chứng thư số đã hết hiệu lực sử dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận