Ngân hàng Nhà nước đã bán bao nhiêu USD ra thị trường?
Phiên 24/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.274 VND/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên hôm qua (23/4).
Lúc 10h30 ngày 24/4, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng ghi nhận giảm nhẹ 1 đồng so với phiên trước ở cả 2 chiều và vẫn neo ở mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 24.487 VND/USD.
Theo Khối Thị trường tài chính, ACB, hôm qua là ngày thứ 2 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước bán USD cho các thành viên trên liên ngân hàng với khối lượng cung ứng khoảng 220 triệu USD, tại mức giá 25.450 VND/USD. Như vậy, lũy kế sau 2 ngày đầu tuần (22, 23/4) nhà điều hành đã cung ứng cho thị trường gần 350 triệu USD.
Hôm qua, trên kênh cầm cố, nhà điều hành chào thầu 36.000 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất tăng lên mức 4,25%. Có 35.999,99 tỷ đồng trúng thầu, có 11.999,93 tỷ đồng đáo hạn. Đồng thời, nhà điều hành chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 2.150 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,73%, có 3.700 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn phiên hôm qua. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 26.550,06 tỷ đồng ra thị trường trong phiên 23/4. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 61.250 tỷ đồng, trên kênh cầm cố tăng lên mức 53.427,76 tỷ đồng.
Theo VIRA, ngày 23/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,06 – 0,27 điểm % (đpt) ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên 22/4. Cụ thể: qua đêm 4,22%; 1 tuần 4,36%; 2 tuần 4,42% và 1 tháng 4,64%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,02 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 2 tuần. USD liên ngân hàng giao dịch tại: qua đêm 5,26%; 1 tuần 5,33%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,42%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở kỳ hạn 3 năm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên 23/4 ở mức: 3 năm 1,88%; 5 năm 2,11%; 7 năm 2,32%; 10 năm 2,81%; 15 năm 3,02%.
Thị trường đang theo dõi sát sao diễn biến kinh tế tại Mỹ vì nó tác động trực tiếp đến tỷ giá USD/VND.
Hoạt động kinh tế tại Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại trong tháng 4 với chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều thấp hơn so với dự báo. Điều này tương phản với tín hiệu tích cực từ khu vực châu Âu nhờ sự phục hồi đến từ các đầu tàu kinh tế Pháp và Đức.
Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ, thước đo tổng thể hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 50,9 điểm trong tháng 4 từ mức 52,1 vào tháng trước. Ngược lại, PMI tổng hợp của khu vực châu Âu đã tăng lên 51,4 điểm từ mức 50,3 điểm của tháng 3. Điều này cho thấy sự lệch pha trong quá trình phục hồi kinh tế đang được thu hẹp dần khiến lựa chọn chính sách của Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể khác nhau trong thời gian sắp tới.
Lãnh đạo ECB cho biết nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, cơ quan này sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại khu vực châu Âu kể từ tháng 6 trong khi khả năng này từ Fed có thể phải dời đến sớm nhất vào tháng 9 năm nay.
Điểm chung của cả 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới lúc này là sự tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ trong khi sự phục hồi trong hoạt động sản xuất chưa diễn ra. Các dự báo cho thấy kinh tế châu Âu có thể tăng trưởng +0,5% trong quý 1 và +0,8% cho quý 2 trong khi con số này tại Mỹ là +2,3% và +1,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận