Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần thêm công cụ để ổn định tỷ giá?
Ngân hàng Nhà nước có thể phải sử dụng thêm các công cụ điều hành khác để ổn định tỷ giá nếu đồng bạc xanh tiếp tục leo thang trên thị trường quốc tế.
Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tỷ giá bất ngờ trở thành một trong những “điểm nóng nhất” trên thị trường tiền tệ khi bắt đầu bật tăng mạnh vào tháng Tám và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Hiện, giá USD tại nhiều ngân hàng phổ biến giao dịch quanh mốc 24.730 đồng ở chiều bán, tương ứng tăng khoảng 4,4% so với đầu năm.
Tỷ giá USD/VND trong nước chịu nhiều sức ép, trong đó phải kể đến 2 yếu tố chính bao gồm tình trạng chênh lệch lãi suất USD và VND kéo dài từ tháng 5/2023 và sự tăng giá của chỉ số đồng Đô la (DXY).
Trước đó, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng hết sức dồi dào, mặt bằng lãi suất các kỳ hạn của VND trên thị trường này thấp kỷ lục. Chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi USD và tiền gửi VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức 3-3,5% trong một thời gian dài, theo chiều hướng có lợi cho USD. Từ đó, toàn bộ hệ thống ngân hàng có động lực giữ trạng thái mua ròng đối với USD. Điều này góp phần đẩy tỷ giá USD/VND tăng lên.
Trong khi đó, DXY tăng giá mạnh, tăng tới 6,5% trong 4 tháng (kể từ tháng 7/2023), trước triển vọng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục vững mạnh trong khi phần còn lại của thế giới đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm hoặc thậm chí suy thoái. Từ đó đã tạo ra làn sóng rút tiền từ các thị trường mới nổi và cận biên cũng như rút tiền khỏi các tài sản tài chính rủi ro, gia tăng tỷ trọng mua USD và tập trung vào các quỹ tiền gửi.
Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện việc phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng về, nhằm mục đích tăng lãi suất ngắn hạn trên thị trường này. Từ đó, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp lại, khiến các ngân hàng không có động lực đầu cơ USD ở trạng thái lớn, giảm áp lực lên tỷ giá.
Sau hơn 1 tháng áp dụng phương án này, lượng tín phiếu lưu hành vào cuối ngày thứ sáu vừa qua (27/10) đã đạt gần 193.400 tỷ. Đồng thời lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh (tính đến ngày 26/10, kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 0,16% lên 1,89%, kỳ hạn 1 tháng từ 0,97% lên 2,66%).
Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục xu hướng tăng, với giá bán tại Vietcombank hiện đang được niêm yết ở mức 24.725 VND/USD, tăng khoảng 4,4% từ đầu năm.
Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa cùng yếu tố địa chính trị khó lường, giới phân tích cho rằng NHNN có thể phải sử dụng thêm các công cụ điều hành khác để ổn định tỷ giá nếu đồng bạc xanh tiếp tục leo thang trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu tiệm cận lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng trên thị trường 1. Do đó, nếu mức lãi suất này tăng thêm nữa, và duy trì một thời gian, sẽ có thể thúc đẩy các ngân hàng quay trở lại tăng lãi suất huy động tiết kiệm, từ đó tạo ra hiệu ứng "domino" trên hệ thống.
Trong khi đó, tỷ giá đã tăng mạnh trong thời gian qua và chỉ còn cách đỉnh 24.888 VND/USD năm 2022 không xa. Do vậy, bất kỳ một sự biến động tăng nào của lãi suất hoặc tỷ giá trong những ngày tới, cũng có thể dẫn tới việc NHNN sẽ áp dụng thêm các chính sách mới nhằm đạt được mục tiêu ổn định và cân bằng.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng, Nhà điều hành vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất, bao gồm nguồn cung USD tương đối dồi dào từ các hoạt động xuất nhập khẩu, FDI, FII và kiều hối, cũng như áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến.
Các chuyên gia cho rằng, NHNN sẽ có 2 giải pháp trong ngắn hạn. Thứ nhất, để số dư tín phiếu đáo hạn và dòng tiền quay trở lại thị trường liên ngân hàng, từ đó, thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Mục đích cuối cùng đó là lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, gần với mức lãi suất huy động thị trường 1 các kỳ hạn 1-3 tháng, nhưng không tạo ra cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1.
Thứ hai, trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua tín phiếu không phát huy tác dụng, tỷ giá vẫn tăng nóng, và lãi suất vẫn ở mức cao, NHNN có thể xem xét sử dụng phương án bán kỳ hạn USD kỳ hạn 3-6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.
Theo các chuyên gia ACBS, các giải pháp trên có thể linh hoạt phối hợp và sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng như cung cầu USD trong quý 4 này. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng có thể bứt phá lên vào quý cuối cùng, NHNN thậm chí có thể xem xét tới việc bổ sung thanh khoản thông qua kênh OMO.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì nhận định, việc cầu tín dụng phục hồi trong những tháng cuối năm cùng hoạt động phát hành tín phiếu sẽ giúp chênh lệch lãi suất USD-VND thu hẹp lại.
Theo đó, các chuyên gia giữ nguyên quan điểm về tỷ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm. Tuy nhiên, rủi ro đối với dự báo là đồng USD tăng vượt ngưỡng 110, dẫn đến việc NHNN phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn.
Về phía Nhà điều hành, trong phát biểu mới nhất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan này kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá.
“Hiện nay, giá vàng và giá USD đang tăng theo giá thế giới, cung cầu thị trường tại thời điểm nhất định lúc cao lúc thấp. Tuy vậy, doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá. Hiện tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng”, Phó Thống đốc khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá.
Mặc dù có một số ý kiến lo ngại về tỷ giá nhảy múa, song theo lãnh đạo NHNN, thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận