Ngân hàng ngoại: “Quả ngọt” sau những vụ gieo trồng
Đã có ngân hàng ngoại thu hẹp dần hoạt động, nhưng cũng có nhiều định chế tài chính - ngân hàng nước ngoài không chỉ đánh giá lạc quan mà còn đang kinh doanh hiệu quả tại thị trường Việt Nam.
Những con số biết nói
HSBC Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính năm 2019 (kết thúc ngày 31/12/2019) được kiểm toán với lợi nhuận trước thuế đạt 2.981 tỷ đồng và sau thuế đạt 2.375 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là vốn chủ sở hữu của HSBC Việt Nam tăng từ 12.143 tỷ đồng năm 2018 lên 12.878 tỷ đồng năm 2019, tương đương mức tăng 6%. Tổng tài sản tăng 24% lên 125.167 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn của HSBC Việt Nam đạt 14%, tỷ lệ nợ xấu giảm 0,34% so với năm 2018. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của HSBC Việt Nam đạt 1,89% và 18,44%.
Theo báo cáo, chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng 12% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 90% trong năm 2019 đã tác động vào lợi nhuận của HSBC Việt Nam sau nhiều năm tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: “Tổng chi phí hoạt động là 2.264 tỷ đồng, tăng 12%, tương đương 242 tỷ đồng. Khoản chi phí tăng thêm này đến từ khoản đầu tư vào công nghệ, con người, quy trình, sản phẩm và dịch vụ khi chúng tôi tìm cách tăng cường hơn nữa hiện diện của HSBC tại Việt Nam và chủ động đầu tư cho sự phát triển của thị trường trong tương lai”.
Đối với triển vọng tăng trưởng của HSBC trong năm 2020, tính tới các tác động của dịch Covid-19, ông Tim Evans cho biết, tốc độ tăng trưởng của Ngân hàng có thể giảm so với các kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, chiến lược của HSBC Việt Nam vẫn sẽ được giữ nguyên thông qua việc tiếp tục thực hiện các kế hoạch kinh doanh dựa trên những nỗ lực liên tục để cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này được triển khai thông qua quy trình được đơn giản hóa, tận dụng ưu thế để tăng cường tài trợ và tập trung cho vay rủi ro thấp trong ngắn hạn.
Tại Standard Chartered Việt Nam, năm 2019, tổng tài sản đạt 62.723 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng so với 4.500 tỷ đồng của năm 2018. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt trên 966 tỷ đồng, tăng mạnh so với 596 tỷ đồng của năm 2018. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 241 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2018 ở con số 181 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2019 là 725 tỷ đồng, tăng so với 415 tỷ đồng của năm 2018; lợi nhuận thuần sau thuế năm 2019 là 570 tỷ đồng, tăng so với gần 335 tỷ đồng của năm 2018.
Theo đánh giá của S&P, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đóng vai trò không thể thiếu trong mục tiêu mở rộng kinh doanh trên toàn cầu của Tập đoàn Tài chính Shinhan (Shinhan Financial Group - SFG), đồng thời giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với SFG trong khoảng thời gian từ 18 - 24 tháng tới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam còn dẫn dắt chiến lược mở rộng của SFG tại Việt Nam bằng cách phối hợp với các tổ chức phi ngân hàng ở thị trường này, nhằm tăng cơ hội kinh doanh chéo sản phẩm. Shinhan Việt Nam là đơn vị mang đến lợi nhuận từ nước ngoài lớn nhất cho ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc và là một đơn vị chủ chốt trong SFG.
Được biết, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 9/2019, 14% tổng thu nhập ròng của ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc được tạo ra từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Một phần ba nguồn thu nhập này được đóng góp bởi Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Trong nhiều thập kỷ qua, Shinhan Việt Nam chưa trả bất cứ khoản cổ tức nào mà sử dụng để tiếp tục tái đầu tư nhằm phát triển kinh doanh ở Việt Nam. Lợi nhuận trung bình trên tài sản trung bình của Shinhan Việt Nam đạt khoảng 2,0% trong suốt 5 năm qua.
Ông Shin Dong Min, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết: “Dựa vào kết quả đánh giá của S&P, Ngân hàng Shinhan Việt Nam có thể đánh giá được các hoạt động của mình một cách khách quan, theo quy chuẩn và quan điểm của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Từ đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ có những điều chỉnh chiến lược phù hợp và nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ vững vị thế của mình tại thị trường Việt Nam”.
Sự đổ bộ ồ ạt của nhà đầu tư Hàn Quốc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn mà 125 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vào Việt Nam. Ngoài các lĩnh vực truyền thống, năm 2019, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã gia nhập thị trường tài chính Việt Nam ở cả 3 trụ cột là ngân hàng, tài chính tiêu dùng và chứng khoán.
Thực tế cho thấy, cả 4 ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc là Shinhan, Woori, KB Kookmin và KEB Hana đều coi Việt Nam là thị trường chiến lược và đẩy mạnh đầu tư trong năm 2019. Cụ thể, tháng 2/2019, KB Kookmin Bank - một trong bốn ngân hàng lớn nhất được xếp hạng theo giá trị tài sản ở Hàn Quốc và lớn thứ 60 trên thế giới - đã chính thức khai trương chi nhánh tại Hà Nội.
Những ngày cuối năm 2019, KEB Hana đã hoàn tất thương vụ trị giá 860 triệu USD để đổi lấy 15% cổ phần BIDV. Cũng trong tháng 12/2019, Ngân hàng Deagu Hàn Quốc chính thức được chấp thuận mở chi nhánh tại TP.HCM. Và Nonghyup cũng được cho là đang tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua “bắt tay” với Agribank.
Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, cuối tháng 10/2019, Hyundai Card, công ty phát hành thẻ tín dụng của hãng chế tạo ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor đã công bố sẽ chi 42 triệu USD mua lại 50% cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cộng đồng (FCCOM) từ MSB. Trước đó, thị trường đã chứng kiến Lotte Card thâu tóm Techcom Finance vào năm 2017 và cuối năm 2019 đổi tên thành Lotte Finance Việt Nam.
Còn Shinhan Card - công ty thẻ tín dụng thuộc Top 5 toàn cầu đã chi 151 triệu USD để mua Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) tại Việt Nam và Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam (SVFC) đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.
Dẫu vậy, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 diễn ra vào đầu năm 2020, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) vẫn đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ để các ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh và thành lập pháp nhân.
Đại diện KOCHAM cho biết, nhiều công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của Việt Nam. Đến nay, khoảng 8.000 công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa. Các công ty Hàn Quốc đang nhanh chóng mở rộng các khu vực đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM và các vùng ngoại ô khác (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương…) sang các khu vực miền Trung như Đà Nẵng và Quảng Nam.
Theo đại diện KOCHAM, để các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ổn định, việc cấp vốn từ các ngân hàng của Hàn Quốc là rất cần thiết. Vì doanh nghiệp mới đầu tư chưa có kết quả kinh doanh nên phải sử dụng khoản vay bằng tín dụng hoặc tài sản của công ty mẹ và muốn nhận thông tin địa phương và tư vấn tài chính từ các ngân hàng của Hàn Quốc. Ngoài ra, có thể sử dụng các chính sách hỗ trợ khác nhau được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính sách của Hàn Quốc (Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh công nghệ...) thông qua các ngân hàng của Hàn Quốc.
“Hàn Quốc là quốc gia đầu tư số 1 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 61,7 tỷ USD kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong số đó, 71,5% khoản đầu tư được thực hiện bởi các công ty công nghệ và sản xuất và họ chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp địa phương, vì vậy, chúng tôi rất mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ để các ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh và thành lập pháp nhân tại khu vực này”, đại diện KOCHAM nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện KOCHAM, các công ty mới đầu tư càng phát triển ổn định với sự hỗ trợ của các ngân hàng Hàn Quốc thì càng có nhiều việc làm được tạo ra ở Việt Nam và tạo ra sự tăng trưởng chung cùng với các công ty Việt Nam trong chuỗi cung ứng, điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên sản xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận