Ngân hàng ngoại bớt… lép vế
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhiều ngân hàng nước ngoài tiếp tục mở rộng các mảng hoạt động, thậm chí sẵn sàng cạnh tranh với lĩnh vực vốn là lợi thế của các ngân hàng trong nước…
Mở ra một thế giới với nhiều cơ hội
Cuối tháng 12/2021, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam - Chi nhánh Đồng Nai đã có công văn chấp thuận khai trương hoạt động Phòng giao dịch Thống Nhất của Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam trên địa bàn tỉnh này. Thực tế, không dễ để ngân hàng nước ngoài nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý trong nước trong việc mở rộng phòng giao dịch tại thời điểm hiện nay, nhưng câu chuyện ở Shinhan Việt Nam theo chiều hướng khác.
Trong khi các ngân hàng nước ngoài thu hẹp lại mảng bán lẻ để tập trung phát triển thế mạnh riêng của mình về dịch vụ ngân hàng đầu tư, dịch vụ tài chính doanh nghiệp, cung cấp các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam…, thì Shinhan Việt Nam quyết định “dấn thân” và sẵn sàng cạnh tranh với các ngân hàng nội ở thị trường bán lẻ, mảng hoạt động đã mang về “trái ngọt” cho ngân hàng này thời gian qua.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Shinhan Việt Nam niên độ tài chính 2019-2020 đạt 3.070 tỷ đồng, tăng 8,4% so với niên độ trước; thu nhập lãi thuần tăng 3,2% lên 4.469 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 1,4% lên 300 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 5,6% lên 490 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 20% lên 258 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng 133% lên 119 tỷ đồng.
Thực ra, không khó để lý giải quyết định mở thêm chi nhánh của Shinhan Việt Nam, khi đã mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam từ năm 2017 và trong hoạt động bán lẻ, việc mở rộng hệ thống sẽ giúp ngân hàng tăng mức độ tiếp cận với khách hàng.
Báo cáo tài chính của HSBC Việt Nam cho thấy, trong niên độ 2019-2020, dù gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng Ngân hàng vẫn ghi nhận lãi trước thuế 1.985 tỷ đồng. Đáng chú ý, HSBC Việt Nam tiếp tục là ngân hàng có thu nhập bình quân nhân viên cao nhất trong hệ thống năm 2020, đạt 58,8 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 4 triệu đồng/người/tháng so với năm 2019.
HSBC Việt Nam đã thực hiện cam kết tiếp tục kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) giàu tiềm năng của Việt Nam, bất kể đang ở vòng gọi vốn nào, nhằm tạo ra ngày càng nhiều “kỳ lân” mới cho Việt Nam. Theo đó, trong tháng 9/2021, HSBC Việt Nam đã hỗ trợ General Atlantic và Dragoneer Investment Group dẫn đầu vòng gọi vốn Serie B trị giá khoảng 250 triệu USD của VNLIFE, một start-up công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp ngân hàng, thanh toán số, du lịch trực tuyến và bán lẻ.
Đóng vai trò quan trọng trong giao dịch mang tính lịch sử của VNLIFE, nhấn mạnh tiềm năng to lớn của ngành Fintech của Việt Nam - “ngôi sao” mới nổi trong mắt các nhà đầu tư trên thế giới, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, HSBC đã góp phần kết nối các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, tận dụng thế mạnh từ mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ thực hiện các giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
“Các công ty khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau dịch ở Việt Nam, chúng tôi luôn sẵn sàng cống hiến chuyên môn, năng lực, mạng lưới rộng khắp và tầm nhìn để mở ra một thế giới nhiều cơ hội cho cả nhà đầu tư quốc tế lẫn các doanh nghiệp trong nước, kết nối con người, ý tưởng và nguồn vốn để cùng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển”, ông Tim Evans nói.
Cũng ghi nhận một năm với kết quả kinh doanh khả quan, Public Bank Berhab Việt Nam ghi nhận lợi nhuận trước thuế niên độ 2019-2020 đạt 420 tỷ đồng, tăng 8,5% so với niên độ trước; tổng tài sản đạt 29.463 tỷ đồng, tăng 6,9%; dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,2% lên 17.119 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 28,8% lên 15.187 tỷ đồng.
Điểm tựa tăng vốn
Báo cáo tài chính cho thấy, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng kết thúc năm tài chính 2020 với kết quả khả quan. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 2.040 tỷ đồng, trong đó lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 40%, từ mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 81% và 524%. Lợi nhuận sau thuế đạt 434 tỷ đồng và tổng tài sản đạt gần 64.783 tỷ đồng, tăng 3,3% so với niên độ trước.
Được biết, Standard Chartered Việt Nam vừa được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch khẳng định triển vọng tín nhiệm ở mức “Tích cực” và duy trì xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ lần lượt ở mức BB và BBB-. Đánh giá của Fitch dựa trên quá trình xem xét sự hỗ trợ của toàn bộ cổ đông từ Tập đoàn Standard Chartered dành cho Standard Chartered Việt Nam với vai trò quan trọng của ngân hàng này trong chiến lược phát triển khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn.
Một điểm đáng chú ý nữa, trong năm 2021, Standard Chartered Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên hơn 6.900 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng đã tăng vốn thêm 1.100 tỷ đồng (tương đương 49 triệu USD) năm 2018 và gần 2.300 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD) vào năm 2019.
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Lần tăng vốn này một lần nữa khẳng định cam kết lâu dài của Ngân hàng tại Việt Nam. Standard Chartered đã xây dựng hoạt động kinh doanh vững mạnh tại đây và đặt mục tiêu vươn lên những tầm cao mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để nắm bắt cơ hội thị trường đem lại. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cùng phối hợp với các khách hàng, các ban ngành và cộng đồng để thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư và tạo dựng sự thịnh vượng tại nơi đây”.
Tương tự, ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn UOB cho biết, thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, Ngân hàng UOB Việt Nam cũng khẳng định cam kết lâu dài tại Việt Nam và góp phần vào sự phát triển của đất nước. Từ một văn phòng đại diện vào năm 1993 trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2018, trong 3 năm qua, UOB Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tài sản bình quân 53%/năm.
“Mức vốn điều lệ tăng thêm sẽ cho phép chúng tôi hỗ trợ các khách hàng hiện hữu cũng như khách hàng mới tại Việt Nam thông qua các giải pháp tài chính tối ưu và sự kết nối mạng lưới trong khu vực của Tập đoàn UOB”, ông Wee Ee Cheong nói.
Ông Harry Loh, Tổng giám đốc UOB Việt Nam cho biết: “Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên còn ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Trong khi chúng ta vẫn chưa biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc, một điều chúng tôi chắc chắn là, UOB Việt Nam luôn đồng hành cùng khách hàng, người lao động và cộng đồng vượt qua giai đoạn bất ổn này. Chúng ta sẽ cùng nhau quyết tâm vượt qua khó khăn và hướng tới những thay đổi để phát triển mạnh mẽ hơn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận