Ngân hàng nào sẽ được nới room theo EVFTA?
Nhiều ngân hàng đang "tự siết" tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) để dành phần ít ỏi trong tổng room 30% cho đối tác ngoại. Nới room hơn mức 30% là điều một số ngân hàng mong muốn.
Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank).
Trong báo cáo cập nhật về HDBank (HDB), Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, HDBank là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA.
Nhóm phân tích MASVN cho rằng, nhờ lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng vượt trội (tăng 39%), đạt 8.070 tỷ đồng, HDBank sẽ có nhiều dư địa để cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và củng cố chất lượng tài sản bằng cách tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Kế hoạch đưa ra cho năm 2022, HDBank dự kiến đạt mức lợi nhuận 9.800 tỷ đồng.
Với việc sử dụng trái phiếu chuyển đổi như một công cụ huy động mới, HDBank đã phần nào giảm được chi phí huy động, cũng như hỗ trợ giá cổ phiếu khi giá chuyển đổi được nhiều nhà đầu tư xem là mức giá tham chiếu cho cổ phiếu HDB.
Theo MASVN, sử dụng trái phiếu chuyển đổi, cũng như phát hành trái phiếu quốc tế sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của HDBank. Thêm vào đó, phát hành trái phiếu chuyển đổi cũng giúp gia tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cho Ngân hàng. Nếu HDBank được chọn trở thành ngân hàng thí điểm nới room ngoại, sẽ là một điểm sáng hỗ trợ giá của cổ phiếu HDB.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, Sacombank là ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này, vì hiện tại 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Việc bán 32,5% vốn của Sacombank trong một lần sẽ đem lại giá trị cao nhất cho VAMC. Tuy nhiên, do số cổ phần này vượt quá ngưỡng tối đa 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng, nên việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA.
Sacombank cho biết, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng trong giai đoạn 2022 - 2026 thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro.
Đồng thời, Ngân hàng dự kiến chậm nhất đến năm 2023, sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.
Dự kiến, đến năm 2022, hoặc đầu năm 2023, Ngân hàng có thể chia cổ tức. Tuy nhiên, bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán 32,5% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Với “các ngân hàng 0 đồng” hiện đang chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (bao gồm CB Bank, GP Bank và Ocean Bank), theo các công ty chứng khoán, không phải là ứng cử viên rõ ràng để mở room theo cam kết EVFTA.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận