Ngân hàng nào sẽ được nới 'room' nhiều nhất trong những tháng cuối năm?
NHNN sẽ dựa trên chất lượng tài sản và quy mô hoạt động của từng ngân hàng để phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng đơn vị.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/7 đạt 9,42%. Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 5 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm gần 4,6%, tương đương quy mô khoảng 478.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng đều đã cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng được tạm cấp từ đầu năm, giới chuyên môn kỳ vọng NHNN sẽ có một đợt nới ''room'' vào cuối quý III hoặc đầu quý IV để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, đến hết tháng 6, ngân hàng này đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng được NHNN thông báo từ đầu năm. Vào giai đoạn cuối năm, ABBank kỳ vọng sẽ có sự mở rộng ''room'' tín dụng, cụ thể là quý III, sau khi đã gửi công văn lên NHNN.
Chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, Phó Tổng giám đốc VPBank Lưu Thị Thảo cũng cho biết, ''room'' tín dụng hiện không chỉ là vấn đề của VPBank mà cũng là "nỗi đau đầu" của rất nhiều ngân hàng trong hệ thống. VPBank kỳ vọng quyết định của NHNN về việc phân bổ ''room'' tín dụng cho các NHTM sẽ sớm được thông qua và công bố.
Theo đánh giá của SSI Research, NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. ''NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao''. SSI Research cho hay.
NHNH sẽ ưu tiên nới ''room'' cho ngân hàng nào?
Đại diện NHNN từng nhiều lần cho biết sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và việc cấp ''room'' sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng. Trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng mới đây, NHNN cho biết đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên hai cơ sở chính.
Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52 năm 2018 của NHNN. Cụ thể, Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các TCTD theo 6 tiêu chí, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
Theo giới phân tích, MB cùng với Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch Covid -19. Do đó, những ngân hàng này sẽ được NHNN ''thoáng hơn'' trong việc xem xét nới ''room''.
Ngoài ra, MB và Vietcombank cũng đang là bên tiếp nhận bắt buộc một tổ chức tín dụng vì vậy nhiều khả năng hai ngân hàng này sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và trong các năm tới.
Chứng khoán Bảo Việt ước tính, Vietcombank có thể được nới ''room'' tín dụng lên khoảng 19%, trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng của MB có thể đạt khoảng 25%.
VPBank cũng có thể được nới ''room'' cao hơn mặt bằng chung khi ngân hàng này đã sử dụng hết hạn mức được tạm cấp từ đầu năm và có kế hoạch nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.
Tại cuộc họp thường niên năm 2022, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết ngân hàng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, ngân hàng chưa tiết lộ thông tin chi tiết và chưa có tờ trình gửi các cổ đông trong phiên họp chiều 29/4. "Việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng bắt buộc nếu có cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định nhưng còn quá sớm để khẳng định điều đó", ông Dũng nói.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD…).
Nhóm phân tích đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế ''room'' tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận