Ngân hàng nào nắm nhiều TPDN nhất quý 2/2023
Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng thương mại, tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng lượng TPDN các ngân hàng nắm giữ đạt hơn 200.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Quân đội - MB Bank là nhà băng đứng đầu hệ thống về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ với 40.428 tỷ đồng TPDN sẵn sàng để bán, giảm hơn 3.100 tỷ đồng so với cuối năm trước.
Trong đó, bao gồm trái phiếu có kỳ hạn từ 3 đến 15 năm với lãi suất từ 7,3% đến 13,8%/năm. Tại báo cáo tài chính, MB cũng ghi nhận 22.715 tỷ đồng chứng khoán nợ chưa niêm yết tại mục chứng khoán kinh doanh, tăng vọt so với đầu năm.
Về tình hình kinh doanh,lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 23.490 tỷ đồng, tăng 2,7%, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 13,5%, đạt 19.708 tỷ đồng.
Kết quả, MB lãi trước thuế 12.735 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, MB đứng thứ 3 trong hệ thống về lợi nhuận sau Vietcombank (20.499 tỷ đồng), BIDV (13.862 tỷ đồng) và đứng trước VietinBank (12.531 tỷ đồng).
Vị trí thứ hai về giá trị TPDN thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank, tính đến cuối tháng 6, ngân hàng này nắm giữ 39.787 tỷ đồng TPDN, giảm 3% so với thời điểm đầu năm.
Đáng chú ý, nếu như cuối năm 2021, Techcombank dẫn đầu với 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, thì đến cuối năm 2022, ngân hàng này đã giảm giá trị nắm giữ xuống 41.000 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2023, Techcombank lại tiếp tục hạ số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ thêm hơn 1.200 tỷ đồng.
Vị trí thứ ba thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank, cuối tháng 6/2023, trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ của ngân hàng đạt 28.331 tỷ đồng, giảm so với cuối năm trước.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 hồi tháng 4 năm nay, ông Ngô Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank - cho biết ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó 60% trái phiếu của các dự án bất động sản từ 40 doanh nghiệp bất động sản. Lãnh đạo VPBank cũng cho hay, năm 2023, có một số trái phiếu đến hạn, VPBank dự kiến sẽ giảm mức tỷ trọng còn khoảng 50% so với hiện nay.
Đáng chú ý, Novaland là một trong 40 doanh nghiệp mà VPBank đã đầu tư. Hiện công ty này vẫn đang khó khăn nhưng theo VPBank, cả dư nợ cho vay lẫn trái phiếu của Novaland tại ngân hàng đều dưới 1% tổng dư nợ.
Vị trí thứ tư về nắm giữ trái phiếu hệ thống ngân hàng thuộc về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong - TPBank với lượng TPDN nắm giữ là hơn 17.900 tỷ đồng, giảm 17% so cuối năm trước.
Trong khi đó, TPDN sẵn sàng để bán thời điểm cuối tháng 6/2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội - SHB ghi nhận 10.161 tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm đầu năm.
Những diễn biến khó khăn từ thị trường TPDN khiến các ngân hàng không còn "mặn mà" với kênh đầu tư này. Top 5 ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu nhất quý 2/2023 cũng đã giảm tổng lượng nắm giữ xuống gần 137.000 tỷ đồng từ 155.000 tỷ đồng hồi đầu năm.
Ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn
Đáng chú ý, cũng trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị phát hành tăng tốc mua lại TPDN; cơ cấu khoản nợ hoặc chuyển sang tài sản đảm bảo.
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy riêng trong quý 2/2023 vừa qua đã có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng mạnh so với cùng kỳ và cả quý 1/2023. Tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn của nhóm ngân hàng đạt trên 57.000 tỷ đồng.
Trong quý 2/2023 Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đã tổ chức 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng, trở thành ngân hàng mua lại nhiều trái phiếu trước hạn nhất trong quý 2.
Nhóm các ngân hàng BIDV, OCB và MSB cũng đua nhau mua lại trái phiếu trước hạn trong quý 2 vừa qua. Mỗi ngân hàng trong Top 2 này mua lại xấp xỉ 5.800-5.900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng tổ chức mua lại 2 đợt trái phiếu trước hạn, mỗi lô 2.500 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu trước hạn mua lại 5.000 tỷ đồng.
Techcombank (TCB) cũng chi mạnh tiền mua lại nhiều trái phiếu trước hạn trong quý 2 vừa qua khi tổ chức 4 đợt mua lại với giá trị 4.500 tỷ đồng.
An Bình Bank (ABB), VPBank (VPB), VIB, HDBank (HDB), Bắc Á Bank BAB), Bản Việt (BVB), Lienvietpostbank (LPB) và Sacombank (STB) đều là những ngân hàng chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong riêng quý 2 vừa qua.
Điểm chung của các lô trái phiếu mà các ngân hàng chọn mua lại trước hạn này là đều còn cách rất xa đến ngày đáo hạn.
Song song với động thái mua lại, thực tế, vẫn có những ngân hàng lên kế hoạch tiếp tục huy động vốn qua kênh trái phiếu này bất chấp thị trường TPDN vẫn đang gặp không ít khó khăn. Với chủ thể là các ngân hàng có hiệu quả kinh doanh ổn định, các nhà đầu tư vẫn có đủ sự tin tưởng để mua trái phiếu ngân hàng với lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Đặc biệt, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành ngân hàng cần tham gia tích cực hơn trong tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
"Ngành ngân hàng phải tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần kiểm soát việc "đại chúng hoá" ở thị trường thứ cấp; phải phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận