24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huỳnh Dương Bốn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng nào đang cần "tập gym" nhiều hơn?

Vẫn còn nhiều ngân hàng Việt "nặng nề" trong hoạt động, hoặc chưa thực sự hiệu quả khi vẫn phải khệ nệ với chi phí...

Kết thúc năm 2021, ngành ngân hàng tiếp tục có một năm kinh doanh khá khả quan bất chấp nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong năm COVID thứ hai. Nhiều thành viên báo lợi nhuận tăng trưởng mức độ hai chữ số, thậm chí tăng trưởng bằng “lần”.

Có được điều này là nhờ sự linh hoạt chuyển dịch qua hoạt động tín dụng bán lẻ; đồng thời, đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc vào nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay; đẩy mạnh các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, phân phối bảo hiểm, chứng khoán đầu tư, kinh doanh ngoại hối; giảm thiểu được chi phí vốn đầu vào qua tăng vùng vốn huy động lãi suất thấp…

Bên cạnh đó, việc kiểm soát, giảm thiểu chi phí hoạt động cũng đóng vai trò quan trọng trong kết quả chung đạt được trong năm qua. Chi phí trên thu nhập (CIR) theo đó trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà băng.

Ngân hàng nào đang cần "tập gym" nhiều hơn?

Một tín hiệu khá khả quan khi khảo sát của BizLIVE tại 24 ngân hàng cho thấy, tất cả các thành viên đều ghi nhận tỷ lệ chi phí/thu nhập giảm được so với năm trước, với mức giảm dao động từ 0,2 – 34%. CIR trung bình của nhóm khảo sát giảm mạnh xuống còn 40,4%, từ mức 47,7% cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của SHB cho thấy, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt gần 18,2 nghìn tỷ đồng, tăng tới 49% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất chỉ nhích nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2020, ở mức 4,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ ứng dụng số hóa, tự động hóa vào các khâu vận hành.

Theo đó, kết thúc năm 2021, tỷ lệ chi phí trên thu nhập hợp nhất của ngân hàng chỉ ở mức 24,2%, giảm mạnh so với mức 35,2% hồi cuối năm 2020. Với kết quả này, SHB đang là ngân hàng sở hữu CIR thấp nhất trong hệ thống. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.221 tỷ đồng, tăng tới 90,3% so với năm 2020.

Cùng ở vị trí dẫn đầu, tại VPBank, tổng thu nhập hoạt động năm qua tăng 13,5% so với cùng kỳ, đạt 44,3 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động được tiết giảm 6% so với cùng kỳ giúp CIR được rút ngắn từ 29,2% năm 2020 xuống còn 24,2% khi kết thúc năm 2021.

Tại VPBank, điểm mạnh về số hóa đã thể hiện rõ những năm gần đây, và đến cuối 2021 tỷ lệ các giao dịch qua các kênh trực tuyến và ứng dụng số hóa đã lên tới khoảng 98%.

Đứng thứ ba trong nhóm khảo sát là OCB với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 26,9%, giảm so với mức 29,1% cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm và gia tăng tiện ích giúp gia tăng doanh thu, đồng thời, tối ưu hoá quy trình nội bộ, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất lao động nhân viên giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Kết thúc năm 2021, OCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hơn 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 3,1%.

Trong nhóm khảo sát, KienLongBank là ngân hàng có sự cải thiện CIR ấn tượng nhất trong năm qua khi đưa tỷ lệ chi phí trên thu nhập từ mức cao 87,4% trong năm 2020 xuống còn 52,9% khi kết thúc năm 2020, tương đương với mức giảm tới 34,5 điểm %. Nguyên nhân là nhờ tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng gần gấp đôi trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 13%. Điều này giúp Kienlongbank lần đầu ghi nhận lợi nhuận vượt 1.000 tỷ đồng, gấp tới 6,4 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Tương tự, tại VietBank, tổng thu nhập hoạt động tăng tới 39,7% so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động không đổi giúp CIR trong năm qua dù vẫn ở mức khá cao (52,4%) nhưng so với cùng kỳ năm trước, đã giảm tới 20,8 điểm %.

Tại MSB, CIR cũng giảm tới 12,8 điểm % trong năm qua, SeABank giảm 11,6 điểm%, LienVietPostBank giảm 9,1 điểm%,…

Về cơ bản, CIR càng thấp càng cho thấy ngân hàng hoạt động với hiệu suất cao, bởi tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.

Đặc biệt, với “cú hích” từ COVID-19, cuộc cách mạng số tại các ngân hàng Việt đang bùng nổ hơn bao giờ hết. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ giúp thay thế một phần con người, tối ưu hóa vận hành, từ đó, giúp ngân hàng cắt giảm chi phí, đồng thời, hướng tới hình ảnh một ngân hàng hiện đại, thân thiện hơn.

Mặt khác, ở mẫu số tổng thu nhập, nhiều nhà băng đã tiếp tục gia tăng được trong năm qua để qua đó góp phần tạo thêm chiều tác động giảm thiểu CIR.

Tuy nhiên, như dữ liệu BizLIVE khảo sát ở trên, vẫn còn khá nhiều ngân hàng Việt đang có CIR ở mức rất cao, trên 45% đến hơn 60%. Tỷ lệ này có thể chỉ mang tính thời điểm, gắn với giai đoạn tập trung đầu tư và qua đó gia tăng chi phí hoạt động...

Nhưng nếu những tỷ lệ này quá cao và kéo dài qua nhiều năm, các chủ sở hữu hẳn không mong muốn này đang có những bước đi nặng nề, một cơ thế kém thon gọn và năng động để tạo ra thu nhập. "Tập gym", theo đó, là yêu cầu đặt ra, nếu không sẽ tiếp tục chậm bước và tụt lại phía sau của hệ thống.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả