Ngân hàng nào còn dịch vụ giữ hộ vàng?
Những ngày qua, giá vàng bỗng trở nên lấp lánh khi có thời điểm chạm mức 39.5 triệu đồng/lượng. Theo đó, những hoạt động liên quan đến vàng như mua bán và cất giữ vàng cũng được quan tâm đặc biệt.
Thói quen bảo quản và cất giữ vàng tại nhà là sự lựa chọn không mấy an toàn trong thời đại ngày nay. Thế nên người ta sẽ nhờ đến một trung gian thứ ba như ngân hàng giữ hộ. Song, không giống như gửi tiền tiết kiệm, việc gửi vàng vào ngân hàng chẳng những không được hưởng “lãi suất” mà thậm chí còn khiến bạn mất một khoản phí, thường gọi là phí giữ hộ vàng.
Có thể thấy, trong hơn 6 năm qua, hoạt động huy động vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã không còn nữa. Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép giữ hộ vàng miếng cho 15 ngân hàng thương mại. Trong đó, 5 ngân hàng bao gồm Vietcombank (HOSE: VCB), Agribank, ABBank, Viet Capital Bank, BaoViet Bank đều không công bố mức phí giữ hộ vàng. Khi được hỏi về dịch vụ này, nhân viên tư vấn của cả 5 đơn vị này đều có chung câu trả lời là không có dịch vụ giữ hộ vàng.
Khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy, chỉ còn 9 ngân hàng đang cung cấp dịch vụ này với nhiều tên gọi như dịch vụ giữ hộ vàng, dịch vụ cho thuê két sắt hay dịch vụ bảo quản tài sản…
Bảng thống kê phí giữ hộ vàng của các ngân hàng thương mại tại ngày 15/07/2019 Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Hiện tại, các ngân hàng như BIDV (HOSE: BID), MB (HOSE: MBB) và TPBank đang có mức phí giữ hộ vàng thấp nhất, phổ biến từ 1,000 – 2,000 đồng/chỉ/tháng.
Một số nhà băng khác như LienVietPostBank (UPCoM: LPB), ACB, DongA Bank, Techcombank (HOSE: TCB) lại quy định mức phí theo tỷ lệ phần trăm trên giá kê khai tài sản, với mức phổ biến là 0.05%/giá trị kê khai.
Còn Eximbank (HOSE: EIB) sẽ chỉ còn cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng đối với các tài khoản vàng giữ hộ đã mở trước ngày 09/04/2016 (phí 1,600 đồng/chỉ/tháng - tối thiểu 30,000 đồng/lần thu) và chính thức ngừng triển khai mở mới tài khoản giữ hộ vàng từ ngày 09/06/2016.
Khi cung cấp dịch vụ bảo quản vàng, ngân hàng phải thu thập đầy đủ các thông tin của khách hàng như: Tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/hộ chiếu, loại vàng, số seri (nếu có), đặc điểm, số lượng, thời gian bảo quản... Đồng thời, tất cả vàng miếng khi đưa vào ngân hàng sẽ phải qua kiểm định để đảm bảo đúng chất lượng. Ngoài ra, nếu miếng vàng bị bong tróc bao bì hay bao bì bị mờ thì khách hàng sẽ phải chịu một mức phí để làm bao bì lại, và mức phí này khác nhau đối với từng ngân hàng.
Việc trả lại vàng miếng cho khách hàng được thực hiện theo một trong hai hình thức: Trả lại chính số vàng miếng khách hàng đã gửi hoặc trả lại vàng miếng cùng loại, cùng nhãn hiệu, cùng chất lượng, khối lượng với vàng miếng khách hàng đã gửi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận