Ngân hàng "mở hầu bao" cho bất động sản: Doanh nghiệp không dễ tiếp cận
Sau khi lãi suất huy động giảm mạnh về đáy, các doanh nghiệp kỳ vọng dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản sẽ phần nào được khơi thông.
Trong những ngày cuối năm 2023, lãi suất huy động vẫn tiếp tục xu hướng giảm, thậm chí là đang “chạm đáy”.
“Liều thuốc” cho doanh nghiệp địa ốc
Theo thống kê từ đầu tháng 12 đến nay, có 22 ngân hàng đã hạ mức lãi suất huy động. Trong đó, có ngân hàng hạ mức lãi suất thấp nhất chỉ 1,9% cho kỳ hạn 1 tháng.
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB (KBSV), đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc giảm lãi suất là một trong ba giải pháp thiết thực nhất hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm doanh nghiệp thâm dụng vốn rất lớn, sử dụng đòn bẩy cao nên yếu tố dòng tiền rất quan trọng.
Về lãi suất, NHNN cũng đã liên tục điều chỉnh hạ bốn lần mức lãi suất điều hành trong nửa đầu năm với mức giảm từ 0,5 – 2,0%/năm. Điều này cũng nằm trong chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản trong bối cảnh nhiều khó khăn, doanh nghiệp bị “nghẽn” vốn, do đó chỉ còn trông chờ vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Chưa được như kỳ vọng
Chia sẻ với DĐDN, ông Ngô Quang Phúc – Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho biết, lãi suất cho vay thực tế đối với doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đã giảm, lãi suất hiện nay đang rất tốt và có thể nói là tốt nhất từ trước đến giờ. Đây được xem là lực đỡ cho thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh.
Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư ngành địa ốc thì mức lãi suất này vẫn chưa thấp như kỳ vọng. Trao đổi với DĐDN, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property) cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần vay vốn, nhưng quá trình tiếp cận vốn trong thời gian qua khá căng thẳng và hoàn toàn khác biệt so với chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản.
Ông Toản chia sẻ, mặc dù lãi suất huy động giảm rất thấp, nhưng lãi suất cho vay bất động sản lại không hạ thấp. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần hiện đều áp dụng mức lãi suất cho vay trên 10%/năm, thấp nhất là Vietcombank với khoảng 7%. Tuy nhiên, ngân hàng này đặt ra những yêu cầu rất khắt khe như doanh nghiệp phải có doanh thu trung bình trong năm gần nhất hơn 100 tỷ đồng, và nếu doanh thu thấp hoặc lỗ là không được vay.
Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, việc tiếp cận vốn ngân hàng tuy đã ưu đãi nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được. Qua trao đổi với các doanh nghiệp, thì những điều kiện cơ bản nhất nhằm thuyết phục các ngân hàng bao gồm: tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh hoặc mục đích vay vốn, dòng tiền trả nợ hoặc khả năng trả nợ, uy tín trong hoạt động vay và không có nợ xấu…
"Qua đó, thấy được những chính sách của Chính Phủ và các cơ quan liên quan đang thực sự làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, trong đó ưu tiên việc thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này bền vững, có chiến lược cụ thể" - ông Toản bày tỏ quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận