Ngân hàng mất tiền vì dự án “khống”
Dự án không được phê duyệt nhưng doanh nghiệp vẫn được ngân hàng cho vay vốn. Hậu quả là ngân hàng không thể thu hồi số tiền cho vay.
Sắp tới, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử Trần Thị Ngọc Mai (SN 1975, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần (CTCP) Giáo dục đào tạo và khoa học Unet) và Nguyễn Thành Long (SN 1975, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Media Lotus Việt Nam) vì hành vi tạo hồ sơ khống, vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt.
Theo kết quả điều tra, Trần Thị Ngọc Mai và Nguyễn Thành Long đã thành lập 4 doanh nghiệp gồm CTCP Tập đoàn Unet, CTCP Giáo dục đào tạo và khoa học Unet, CTCP Media Lotus Việt Nam và CTCP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Viễn thông Unet.
Tháng 8/2014, CTCP Tập đoàn Unet có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị triển khai Đề án thẻ thanh toán học phí cho học sinh, gọi tắt là Đề án SCC (School Cash Card). Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận về chủ trương cho CTCP Tập đoàn Unet thực hiện thí điểm Đề án SCC tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Biên Hòa.
Trong văn bản này, UBND tỉnh Đồng Nai không chỉ định cho Công ty Khoa học Unet thực hiện Đề án. Nhưng tháng 1/2015, Trần Thị Ngọc Mai với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty khoa học Unet và Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã ký Bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về việc triển khai Đề án SCC.
Đến tháng 2/2015, Trần Thị Ngọc Mai, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty Khoa học Unet ký quyết định chỉ định Công ty Media Lotus làm chủ đầu tư dự án Nước uống trường học. Tuy nhiên, trong Đề án SCC không có dự án nước uống trường học. Đến tận tháng 10/2015, Trần Thị Ngọc Mai mới ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép triển khai Dự án nước uống tinh khiết học đường nhưng không được phê duyệt.
Dù vậy, Trần Thị Ngọc Mai đã sử dụng văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai, biên bản thỏa thuận hợp tác với Sở Giáo Dục và Đào tạo Đồng Nai để giao dịch, đàm phán về Dự án nước uống trường học để vay vốn ngân hàng.
Trần Thị Ngọc Mai và Nguyễn Thành Long, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Media Lotus đã ký các tài liệu, giấy tờ thể hiện Dự án nước uống học đường được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và Công ty Media Lotus là chủ đầu tư Dự án, ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng thi công xây dựng, tư vấn thiết kế với nhiều đơn vị... để đưa vào hồ sơ vay vốn. Thực tế, có 57 trường học trên địa bàn TP. Biên Hòa ký thỏa thuận hợp tác với đại diện Công ty Khoa học Unet nhưng không ký hợp đồng mua bán nước.
Tuy nhiên, sau khi được ngân hàng giải ngân, hai vợ chồng Mai - Long không thực hiện các nghĩa vụ với các bên đã ký kết hợp đồng mà yêu cầu các đơn vị này thanh lý hợp đồng, chuyển trả lại số tiền mà ngân hàng đã giải ngân. Tổng cộng, ngân hàng đã giải ngân và bị chiếm đoạt 4,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quá trình vay vốn, ngân hàng đã giải ngân vào tài khoản Công ty TNHH Quốc tế GBS (là bên bán máy lọc nước cho Công ty Khoa học Unet), Công ty Thái Hưng. Theo lời khai của những người liên quan tại các công ty này, sau khi tiền được giải ngân, Công ty Media Lotus không bố trí được mặt bằng thi công mà yêu cầu chuyển trả lại số tiền ngân hàng đã giải ngân, sau này thi công thực tế sẽ thanh toán sau. Riêng Công ty GBS còn phải đặt cọc 1,9 tỷ đồng cho Công ty Khoa học Unet nhằm đảm bảo tiến độ lắp đặt.
Được biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc không cho chuyển nhượng dự án Trường học Quốc tế Unis Campus (một dự án khác của Tập đoàn Unet), không cho giao dịch 6 nhà đất, tài sản gắn liền với đất có diện tích lần lượt là 38.955m2, 14.817m2; 28.792m2; 789m2; 38.659m2; 9.376m2 tại TP. Vĩnh Yên. Đây là các thửa đất được cấp cho CTCP Tập đoàn Unet để thực hiện dự án trên, nhằm mục tiêu khắc phục hậu quả nếu có của vụ án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận